Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán EIB) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược ký ngày 27/11/2007 với Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) theo đề nghị của SMBC tại văn bản ngày 5/1/2022.
Khả năng cao, SMBC sẽ sớm không còn là cổ đông chiến lược của Eximbank. Theo kế hoạch, ngày 15/2, EIB sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021 lần thứ 2, trong đó có nội dung quan trọng là bầu lại HĐQT và Ban kiểm soát của ngân hàng nhiệm kỳ 2020 – 2025. Danh sách các ứng viên đề cử, ứng cử đã được gửi đến Eximbank trước ngày 14/1 để Ngân hàng xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Trong cơ cấu cổ đông của EIB, SMBC hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 185 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn. Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản đã đầu tư 225 triệu USD vào EIB từ năm 2007 và từng đánh giá Eximbank là “một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam”.
Theo quy định trong ngành ngân hàng, SMBC sẽ phải thoái vốn khỏi Eximbank trước khi đầu tư vào một ngân hàng khác tại Việt Nam. Nên giới đầu tư cho rằng, đây là giai đoạn nước rút để SMBC chuẩn bị sẵn sàng cho việc trở thành cổ đông chiến lược ở ngân hàng khác, mà cụ thể theo kỳ vọng của giới đầu tư là VPB.
Ngày 15/2 tới, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai.
Trước thềm đại hội này, cổ đông nhỏ lẻ, nhà đầu tư, giới quan sát, thị trường kỳ vọng vào khả năng thành công, vì sau một thời gian dài Eximbank chưa thể tiến hành thành công ĐHĐCĐ, song cũng không loại trừ thất vọng như những lần thất bại nhiều năm qua. Bởi các nhóm cổ đông lớn không tìm được “tiếng nói” chung khiến ngân hàng không thể tiến hành thành công đại hội thường niên năm 2020, 2021 và nhân sự cấp “thượng tầng” biến động. Cùng với đó, cổ đông chiến lược nước ngoài có ý định thoái lui… khiến hoạt động của ngân hàng tăng trưởng chậm lại so với nhà băng cùng quy mô.
Hiện Eximbank có 4 nhóm cổ đông lớn, cùng với cổ đông chiến lược nước ngoài – SMBC. Nhưng ngoài SMBC, 4 nhóm cổ đông lớn còn lại đều không bên nào chịu bên nào. Đây cũng là lý do khiến ĐHCĐ Eximbank bất thành. Trước đó, ngày 24/11/2021, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đã chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 – 2025). Số lượng nhân sự HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập. Trong khi số lượng nhân sự Ban kiểm soát dự kiến bầu là 3 thành viên.
Thời gian Eximbank gửi thông báo cho cổ đông về việc đề cử nhân sự dự kiến được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) là ngày 30/11/2021. Kế hoạch Ngân hàng dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/2/2022 để tiến hành bầu thành viên HĐQT và BKS sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022.
Tổng Hợp