Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2023, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn cao kỷ lục. Kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn được người dân ưu tiên gửi gắm đồng vốn.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 6,43 triệu tỷ đồng. Tháng 8 là tháng thứ 13 liên tiếp ghi nhận lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng tăng gửi tiền vào ngân hàng, khi có thêm 103.501 tỷ đồng tiền gửi trong tháng 8. Hồi tháng 7, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6. Tính đến hết tháng 8/2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6.013 triệu tỷ đồng.
Người dân, doanh nghiệp gia tăng gửi tiết kiệm, dù lãi suất liên tục giảm, là bởi tính chất ổn định và an toàn của kênh này, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro.
Thời điểm giữa tháng 8/2023, có khoảng chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng là trên 7%/năm. Hơn 20 nhà băng còn lại niêm yết lãi suất cao nhất (thường rơi vào kỳ hạn 1 năm) từ 6%/năm đến dưới 6,5%/năm. Nhưng hiện tại, chỉ còn một số nhà băng như PVcomBank, NCB, Sacombank áp dụng lãi suất tiết kiệm 6,2%/năm, các nhà băng còn lại đã đưa về dưới 6%/năm.
Vietcombank vừa giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm, còn 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; 3 ngân hàng có vốn cổ phần Nhà nước chi phối còn lại là Agribank, VietinBank, BIDV áp dụng lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Với các kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi tại các nhà băng này là 4,3%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 3 – 3,3%/năm.
Lãi suất huy động liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “thừa tiền” vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 24/10/2023 tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong khi tín dụng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 6,92%. Như vậy, tín dụng trong tháng 10 giảm 0,11%. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, ngân hàng đang thừa vốn nên gần đây tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi. Bởi nếu ngân hàng không cho vay sẽ rơi vào tình trạng bị lỗ, do phải trả lãi người gửi tiền.
Theo TS. Huân, trong bối cảnh cho vay chưa tăng trưởng được, ngân hàng buộc phải áp dụng lãi suất cho vay thấp. Với nhà băng lớn, việc cho vay với lãi suất 6 – 7%/năm vẫn có lợi nhuận, vì những ngân hàng này có nguồn tiền gửi không kỳ hạn rất lớn, nên chi phí vốn quân bình chỉ ở mức 3 – 4%/năm. Và nếu tín dụng vẫn tiếp tục tăng chậm, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm.
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thực tế, lãi suất cho vay vẫn cao vì những món cho vay cũ chưa giảm. Việc quyết định lãi suất cho vay là quyền của ngân hàng thương mại, nhưng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là ngân hàng phải giảm lãi suất ở hầu hết các loại hình cho vay. Ông Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát lại các món vay cũ để hạ lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm lãi suất khi có điều kiện để hỗ trợ khách hàng”, ông Tú nhấn mạnh.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, khả năng hạ lãi suất vẫn còn, nhưng dư địa đã thu hẹp đáng kể. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giữ vững lãi suất điều hành như hiện nay hoặc giảm thêm 0,25%/năm. Còn tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động có thể giảm thêm trong những tháng cuối năm 2023, nhưng chậm hơn so với tốc độ hạ lãi suất cho vay.
Tổng Hợp
(ĐTCK)