Tận dụng thời điểm thị trường chứng khoán thuận lợi, nhiều doanh nghiệp triển khai kế hoạch tăng vốn nhưng vướng những thủ tục do dịch bệnh đến bây giờ vẫn chưa thể thực hiện kế hoạch.
Theo Điều 141, Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, doanh nghiệp phải thực hiện xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và thông báo tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài – room ngoại (trường hợp chưa công bố room ngoại) trước khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết, chuyển niêm yết, đăng ký giao dịch, chào bán, phát hành chứng khoán…
Nhiều doanh nghiệp trước khi triển khai kế hoạch chào bán tăng vốn cũng lấy ý kiến cổ đông điều chỉnh ngành nghề kinh doanh hoặc công bố tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài như Bamboo Capital (HoSE: BCG), Tập đoàn Tiến Bộ (HoSE: TTB)…
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2019 và 2020 tỷ lệ 30%. HĐQT cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua phương án triển khai từ 21/7. Tuy nhiên, sau khi gửi hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện bằng cổ phiếu thì nhận được phản hồi là chưa đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 điều 60 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP là có phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức được ĐHĐCĐ thông qua.
Vào tháng 5, Licogi 16 (HoSE: LCG) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2020 và chào bán cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên thông qua. Cụ thể, doanh nghiêp dự kiến phát hành 9,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 8% và chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch vẫn chưa thực hiện được và mới công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án cuối tháng 7. Licogi 16 cho biết nguyên nhân chậm triển khai phương án tăng vốn chủ yếu do vấn đề giãn cách xã hội, thủ tục thư từ qua lại với các cơ quan nhà nước khó thông suốt. Mặt khác, về mặt quy định cũng có nhiều đổi mới liên quan đến xác định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Dù vậy, công ty cũng nhận được sự hướng dẫn tận tình của cơ quan nhà nước và cam kết về tỷ lệ này để hoàn tất các thủ tục.
Vào đầu tháng 8, Licogi 16 đã công bố tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài là 50%. Đồng thời, HĐQT cũng cam kết bảo đảm tuân thủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong qua trình triển khai đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cùng trả cổ tức năm 2020. Cụ thể, với phương án xử lý cổ phiếu lẻ phát sinh và cổ phiếu cổ đông hiện hữu không đăng ký mua hết, HĐQT sẽ ưu tiên phân phối cho cổ đông hoặc nhà đầu tư trong nước, trường hợp phân phối cho nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ đảm bảo tuân thủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.
Tương tự, Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HoSE: HHS) cũng công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành gần 33 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 đã được thông qua tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 từ cuối tháng 6. Song, mới đây đơn vị thông báo phải tổ chức lấy ý kiến cổ đông thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh cùng kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là 29/9 và thời hạn cuối cùng để cổ đông gửi phiếu ý kiến trả lời là 22/10.
Đại diện HHS cho biết năm nay là năm đặc biệt khi mà Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật chứng khoán, Nghị định 155 cùng có hiệu lực và quy định rất chặt chẽ liên quan đến xác định room ngoại trước khi phát hành tăng vốn. Song, HHS cũng như các doanh nghiệp thành lập từ lâu đều đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những lĩnh vực thực tế không hoạt động. Cơ quan quản lý khuyến cáo nên xác định lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh để tránh chồng chéo và làm rõ tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp cũng muốn tăng tỷ lệ cổ tức lên để đáp ứng kỳ vọng chờ đợi của cổ đông.
Tĩnh Kiên