Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã chứng khoán: HAG) vừa công bố thông tin cho hay, công ty đã không hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ trong thời gian quy định (ngày 17/4). Bầu Đức thất bại với kế hoạch huy động 1.700 tỷ đồng…
Nguyên nhân là diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán dự kiến nên các nhà đầu tư đã từ chối mua.
Cụ thể, HAGL chào bán gần 162 triệu cổ phiếu HAG với mức giá 10.500 đồng, dự kiến huy động là gần 1.700 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
Cụ thể, doanh nghiệp của bầu Đức có ý định dùng số tiền huy động được để bổ sung vốn gần 800 tỷ đồng cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai để hoạt động kinh doanh, bao gồm nhưng không giới hạn hoạt động mua bán vật tư nông nghiệp, trái cây, thức ăn chăn nuôi.
Cùng với đó là bổ sung vốn gần 400 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại huyện Chư Sê, huyện Đăk Pơ, huyện Đăk Đoa, huyện Chư Prong (tỉnh Gia Lai). 500 tỷ đồng còn lại dùng để trả nợ gốc đối với trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016.
Danh sách nhà đầu tư tham gia gồm 2 tổ chức là Công ty TNHH Glory Land, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát và 6 cá nhân, trong đó có 5 cá nhân là cổ đông của HAGL. Do kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ thất bại nên Hội đồng quản trị HAGL đã thông qua phương án bù đắp thiếu hụt vốn.
Theo đó, công ty sẽ giữ nguyên quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời, sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo phương án đầu tư sản xuất mà đại hội đồng cổ đông công ty đã đề ra.
HAGL dự kiến sử dụng nguồn tiền từ việc thu hồi nợ nhóm Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã: HNG) và từ hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu trong thời gian quy định.
Hồi tháng 3/2022, HAGL đã hoàn tất chuyển nhượng 73,52 triệu cổ phần HNG cho các nhà đầu tư khác. Với tổng giá trị chuyển nhượng là 791,2 tỷ đồng, HAGL ghi nhận khoản lãi từ việc thanh lý là 60 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của HAGL trong HAGL Agrico giảm từ 16,07% xuống còn 9,44% (tương ứng giá gốc đầu tư là 1.041,4 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAG đang được giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Mức này tuy tăng gần 6% trong một tháng qua và hồi phục gần 36% so với mức đáy thiết lập hồi tháng 11/2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá mà HAGL dự kiến chào bán đối với 162 triệu cổ phiếu nói trên.
Trên tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến diễn ra ngày 28/4/2023 tới đây tại TP Hồ Chí Minh, Hoàng Anh Gia Lai đã lên kế hoạch doanh thu năm 2023 ở mức 5.120 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước. Tương tự, kế hoạch lợi nhuận cũng ở mức 1.130 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thực hiện năm 2022.
Về tình hình đầu tư và thực hiện các dự án tính đến hết năm 2022, HAG cho biết ngành cây ăn trái đã hoàn thành tổng là 7.000 ha trồng chuối. Ngành chăn nuôi heo đã xây dựng được 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 600.000 con heo thịt mỗi năm.
Vừa qua, Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã vừa công bố quyết định chuyển cổ phiếu mã HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 12/4/2023.
Nguyên nhân là bởi trên báo cáo tài chính của HNG ghi nhận thua lỗ trong 2 năm liền là 2021 và 2022. Trong đó, năm 2021 lỗ 1.119,4 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 3.576,4 tỷ đồng. Với 2 năm liên tiếp ghi nhận thua lỗ như thế này, cổ phiếu mã HNG đã bị chuyển sang dạng kiểm soát theo quy định của nhà nước.
Đối với kết quả kinh doanh của HAGL Agrico, trong 4 năm gần đây đơn vị này chỉ ghi nhận duy nhất 1 năm có lãi là năm 2020 với số lợi nhuận cũng vô cùng mỏng, chỉ đạt 20,9 tỷ đồng. Còn 3 năm 2019, 2021 và 2022 thì lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty lần lượt là -2.444,4 tỷ, -1.119,4 tỷ, -3.576,5 tỷ đồng.
Tính tới hết năm 2022, tổng lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã lên tới 7.003 tỷ đồng, ghi nhận về nợ ngắn hạn cũng tương đối lớn, lên tới 4.288 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn cao vượt vốn chủ sở hữu cũng đã phần nào phản ánh rủi ro trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này. Do đó cũng không quá khó hiểu khi mà HAG đã phải lên kế hoạch để thoái vốn khỏi HNG.
Vào hồi tháng 5 năm 2022 vừa qua, bản thân ông Đoàn Nguyên Đức cũng đã bán xong toàn bộ 3 triệu cổ phiếu HNG đang nắm giữ theo hình thức khớp lệnh trên sàn với mức giá bình quân khoảng 6.300 đồng/cổ phiếu. Ước tính ông Đức đã thu về 18.900 đồng sau khi thoái vốn hoàn toàn khỏi HNG.
Đến thời điểm hiện tại, với kết quả kinh doanh bết bát cùng với việc HAG hoàn tất kế hoạch thoái vốn thì giá cổ phiếu HNG chỉ còn ghi nhận ở mức 4.410 đồng/cổ phiếu.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Công Luận)