Trong 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ó xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, CPI tăng 0,07% so với tháng trước. Số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới giảm 2% nhưng với vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp tăng cao.
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê (GSO), với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình.
Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và tăng 30,4% so với cùng kì năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020.
Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 250,5 nghìn tỉ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kì năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/8 bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 13,7% so với cùng kì năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 11,4 tỉ USD, giảm 5,1% so với cùng kì năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương khác trên cả nước gây cản trở sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thu NSNN trong 15 ngày đầu tháng 8/2020.
Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lí Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8 ước tính đạt 812,2 nghìn tỉ đồng, bằng 53,7% dự toán năm. Còn tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm giữa tháng 8 ước tính đạt 918,2 nghìn tỉ đồng, bằng 52,6% dự toán năm.
Về lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kì năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,12% so với tháng 12/2019 – đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2020. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của GSO, sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 tiếp tục đối mặt với khó khăn khi đối mặt với sự lây lan của COVID-19.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kì năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kì năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kì năm trước như hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 23,3%, sản xuất xe có động cơ giảm 14%, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%,…
GSO cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 giảm 0,3% so với cùng kì năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 1,6%; nhập khẩu giảm 2,2%.
Khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch 8 tháng đều tăng so với cùng kì năm trước, xuất khẩu tăng cao 15,3%; nhập khẩu tăng 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỉ USD.
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8 có sự cải thiện khi tăng 16,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 98,9% so với cùng kì năm 2019 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Dịch COVID-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7/2020 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lí cộng đồng doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng kí tăng 20,7%.
Tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước có 88.700 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới, giảm 2% so với cùng kì, với vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp tăng 8,7%.
Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.
Minh Hằng
Theo Kinh tế & Tiêu dùng