Mặc dù trải qua nửa năm hoạt động kinh doanh không hiệu quả, song nhiều chuyên gia vẫn đánh giá thị trường BĐS Hà Nội và TP.HCM sẽ khởi sắc trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020.
6 tháng đầu năm 2020, thị trường địa ốc Hà Nội và TP.HCM đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về cả nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm bởi đại dịch Covid-19.
Dù vậy, giới chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường địa ốc 2 thành phố lớn nhất nước tăng trưởng trở lại 6 tháng cuối năm 2020.
Trong đó, quan trọng nhất là hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện và nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn.
Giải thích rõ hơn điều này, ông Robert Vũ, CEO Batdongsan.com.vn cho biết, do tác động của quá trình đô thị hóa và gia tăng dân số ở các đô thị lớn, nên mỗi năm Hà Nội và TP.HCM đều cần thêm hàng chục nghìn căn hộ đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu an sinh xã hội của người dân. Điều này cho thấy tiềm năng của thị thị trường còn rất lớn.
Bên cạnh đó, nhiều công trình đầu tư công về cơ sở hạ tầng được triển khai ở các tỉnh thành không chỉ gia tăng liên kết vùng mà còn mở ra cơ hội hình thành các vùng kinh tế tiềm năng, thu hút đầu tư quốc tế, tạo cơ hội phát triển cho thị trường nhà ở.
Cầu Vĩnh Tuy kết nối trung tâm Hà Nội với cửa ngõ phía Đông. Nhờ hạ tầng hoàn thiện, BĐS phía Đông Hà Nội cũng tăng nhiệt, hấp dẫn nhà đầu tư.
Nhờ đẩy mạnh quá trình phát triển mạng lưới giao thông và hạ tầng cơ sở đã giúp nhà đất tại khu vực giáp ranh, vùng ven tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo số liệu của batdongsan.com.vn, nhu cầu và lượng tin đăng tại các địa phương có liên kết vùng với Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên đang có mức tăng vượt trội.
Cụ thể, nhu cầu tìm kiếm nhà đất tại Hòa Bình và Vĩnh Phúc tăng 41% đến 77% so với quý trước. Trong khi đó, các thông tin tìm kiếm tại Long An, Bình Dương ở Phía Nam cũng tăng gần 21 – 54%.
Còn theo khảo sát của PV báo Dân trí, cũng nhờ hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, giá trị BĐS tại các huyện vùng ven Hà Nội và TP.HCM cũng tăng đều mỗi năm.
Nhờ hạ tầng hoàn thiện, nhu cầu tìm kiếm BĐS ven đô tăng cao trong thời gian qua. Trong ảnh là Khu đô thị Ecopark phía Đông Hà Nội.
Đơn cử, tại một số khu vực tại Gia Lâm (Hà Nội) như Dương Xá, Đa Tốn, Đông Dư, giá đất dự án sau 2 năm đã tăng 40 – 60%, hiện nay dao động từ 30 – 100 triệu đồng/ m2, cá biệt có nơi tăng lên 150 triệu đồng/ m2. Tương tự, một số khu vực tại quận 9, Thủ Đức và quận 2 cũng tăng 30 – 50% trong vòng 2 năm qua.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn, sức hấp dẫn của thị trường tỉnh bên cạnh việc quỹ đất đa dạng và giá bán mềm, sức nóng từ đầu tư khu công nghiệp cùng với xu hướng di cư của nhà đầu tư nội đang hình thành làn sóng dịch chuyển đầu tư tại thị trường tỉnh. Con sóng này đã gia tăng mạnh từ 2019 và bùng nổ trong 2020.
Theo dự báo của ông Nguyễn Hoàng, giám đốc khối R&B DKRA, phân khúc đất nền ven đô vẫn sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” của thị trường BĐS Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020.
Ông Hoàng nhìn nhận, sức cầu thị trường nói chung và phân khúc đất nền ven đô nói riêng tiếp tục duy trì xu hướng hồi phục từ cuối quý 2 nhưng khó có sự gia tăng đột biến.
Vị chuyên gia này dự báo, các chỉ số cung – cầu và tỷ lệ hấp thụ dự án trong phân khúc này trong quý 3 có thể tăng hơn quý trước, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì lực vẫn còn yếu.
Việt Vũ