Ông Long sinh năm 1961, tuổi Sửu, năm nay tròn 60. Vào năm tuổi, thay vì lao đao bởi Covid, vua thép Trần Đình Long lại thăng hoa cùng Tập đoàn Hòa Phát, với hầu hết các mục tiêu trung hạn đặt ra trước đó vượt kế hoạch.
Năm 2021, ngành thép có nửa năm thăng hoa và nửa năm bị “thất sủng” khi giá quặng sắt đạt đỉnh 210 USD/tấn vào tháng 6, sau đó lao dốc xuống dưới 110 USD/tấn. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ phú thép Trần Đình Long.
Tại thời điểm 6/12, giá trị tài sản của ông Long theo dữ liệu của Forbes đạt 3,2 tỷ USD, xếp hạng 1.444 người giàu nhất thế giới. Trong năm, vốn hoá thị trường của Hoà Phát có thời điểm chạm mốc 10 tỷ USD, tăng 92% so với cuối năm trước và Hoà Phát lọt Top 15 công ty thép giá trị nhất thế giới. Dữ liệu tại thời điểm 14/12, vốn hoá thị trường của Hoà Phát đạt 9,2 tỷ USD, vẫn tăng hơn 56% so với cuối năm ngoái.
“Khi làm việc tôi có nghĩ đến tiền đâu nên còn chẳng biết là mình có bao nhiêu tiền”, ông Trần Đình Long đã trả lời truyền thông vào tháng 3/2018 khi lần đầu lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Thật khó để một tỷ phú USD biết được mỗi ngày mình kiếm được bao nhiêu tiền. Vua thép từng nhận xét về mình: “Tôi là con người hành động, giải quyết việc rất nhanh, luôn nhìn về phía trước và không hài lòng với những gì mình đang có”.
Giai đoạn trước khi có Dung Quất, mỗi năm Hoà Phát đạt doanh thu 50.000 – 60.000 tỷ, lãi sau thuế 7.000 – 8.000 tỷ đồng. Sau khi Dung Quất giai đoạn 1 đi vào vận hành, năm 2021, doanh thu 9 tháng của tập đoàn đạt 105.000 tỷ đồng, tính riêng lợi nhuận sau thuế quý 3 của Hoà Phát đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ, 9 tháng vượt 27.000 tỷ, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy tính trung bình mỗi ngày Hòa Phát có lãi hơn 111 tỷ đồng.
Dự báo của các công ty chứng khoán cho thấy, năm nay Hoà Phát có thể vượt mốc 35.000 tỷ lợi nhuận sau thuế. Mục tiêu đạt 100.000 tỷ doanh thu của vua thép cách đây 3 năm đã trở thành hiện thực.
Ông Long hiện là cổ đông lớn nhất của Hoà Phát, với tỷ lệ nắm giữ cá nhân và gia đình lên tới 35%. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, với vua thép Trần Đình Long, dù có đóng chặt cửa thì tiền vẫn chảy ầm ầm vào túi.
Tháng 1/2021, cả 4 lò cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử sản lượng bán hàng của Hoà Phát đã vượt 8 triệu tấn, tăng 33% cùng kỳ năm trước, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 3 triệu tấn.
Ông Trần Đình Long nhấn mạnh HRC trở thành sản phẩm chiến lược cho chu kỳ tăng trưởng mới của Tập đoàn Hòa Phát. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất được thép cuộn cán nóng, phải nhập khẩu 100%. Hòa Phát là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất được. Chúng ta tính đúng thời gian. Hiện nay mỗi tháng Hoà Phát sản xuất 250.000 – 300.000 tấn HRC nhưng nếu có 1 triệu tấn cũng bán hết, nhu cầu HRC trên thị trường là lâu dài”.
Thị trường thép xây dựng trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid và thời gian giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía nam. Tuy nhiên, 2021 cũng là năm đầu tiên sản lượng xuất khẩu của Hoà Phát vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đây cũng là động lực góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu thép sau hàng thập kỷ bị chèn ép bởi thép Trung Quốc.
Năm 2021, năng lực sản xuất của Hoà Phát đạt 8 triệu tấn thép thô. Với công suất này, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong Top 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu. Thị phần của Hoà Phát cũng đạt trên 32%.
Sau 11 tháng, tôn Hòa Phát đạt 380.000 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu đề ra cho cả năm. Kết quả này chủ yếu là nhờ thị trường xuất khẩu sản phẩm tôn có nhiều khởi sắc, đóng góp 68% sản lượng bán hàng tôn mạ của Hòa Phát từ đầu năm đến nay.
“Doanh nghiệp luôn phải phát triển, chưa cần nói đến thụt lùi, chỉ cần đứng lại là chết”, đấy là quan điểm xuyên suốt của tỷ phú thép Trần Đình Long.
Tháng 4/2021, tại Đại hội cổ đông thường niên, ông Trần Đình Long tuyên bố trước cổ đông: “Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn cũng phải đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản”.
Ông Long cùng lãnh đạo tập đoàn liên tục đi địa phương tìm tòi để phát triển các dự án giá vốn thấp. Ông Long đã ký hợp tác đầu tư với Cần Thơ, Nha Trang để rót vốn vào thị trường bất động sản đầy tiềm năng tại đây. Bên cạnh đó, Hoà Phát cũng phát triển mạnh bất động sản khu công nghiệp, dự án tại Phố Nối (Hưng Yên) được mở rộng diện tích thêm 92 ha thành 686 ha.
Tháng 5/2021, Hòa Phát đã sở hữu Dự án quặng sắt Roper Valley với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. Ông Long tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).
Bên cạnh đó, nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép là than luyện cốc hiện được Hòa Phát nhập khẩu từ nước Úc – thị trường cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới. Tập đoàn đang nghiên cứu để trong tương lai có thể sẽ mua một vài mỏ than luyện cốc của Úc nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này.
Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Hoà Phát cho rằng “việc mua mỏ là thời cơ kinh doanh, phải có lợi mới mua”.
Hoà Phát cũng đã khởi công Dự án Nhà máy Sản xuất Container Hòa Phát tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 11/2021. Công suất của nhà máy là khoảng 500.000 TEU (đơn vị tương đương container dài 20 feet) mỗi năm. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 180.000 – 200.000 TEU/năm, dự kiến cho ra sản phẩm từ quý II/2022.
Ông Long cho biết dù nhu cầu về mặt hàng container trên thế giới là rất lớn, nhưng hiện nay trên 90% container sản xuất ra thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong đó, một năm toàn thế giới sản xuất được khoảng 3 triệu container thì có khoảng 2,7-2,8 triệu chiếc là sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu Hòa Phát tham gia thị trường này, công ty sẽ sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi so với các nhà sản xuất hiện tại của Trung Quốc, đặc biệt về giá thành sản phẩm.
Từ quý IV/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát và khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hàng gia dụng đầu tiên tại KCN Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam. Với quy mô diện tích hơn 14ha, sản phẩm của Nhà máy bao gồm máy làm mát không khí, máy lọc nước và máy lọc không khí. Công suất các mặt hàng trong khoảng 1 triệu sản phẩm/năm.
Đây là bước đi nhằm đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt nam. Điện máy gia dụng Hòa Phát đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất Việt Nam với doanh thu 1 tỷ USD từ mảng này vào năm 2030.
Đầu năm, ông Long quyết định bán mảng nội thất, bàn đạp đưa Hoà Phát trở thành đế chế thép lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Lịch sử đã thay đổi, Hoà Phát hiện đi theo 4 trụ cột: Thép, nông nghiệp, bất động sản, các sản phẩm thép và sắp tới đây là điện máy. Ông Long chia sẻ, Công ty nội thất còn ở Hoà Phát 2.000 nhân viên làm ra doanh thu 1.800 tỷ và lợi nhuận được 200 tỷ. Cùng như vậy công ty ống thép Hoà Phát cũng 2.000 nhân viên làm ra 20.000 tỷ doanh thu gấp 10 lần nội thất. Do đó, việc quản lý mảng nội thất với hàng nghìn mã hàng hiện không còn phù hợp với tập đoàn.
Phát biểu tại lễ kỉ niệm 5 năm thành lập và phát triển Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát vào năm 2019, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ: “5 năm làm nông nghiệp, Hòa Phát chúng ta đã làm được rất nhiều việc và định hình vị thế của Nông nghiệp Hòa Phát trên thị trường. Hiện tại cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước. Đây là minh chứng rõ nhất của việc Hòa Phát luôn làm đến nơi đến chốn ở bất cứ ngành nghề nào”.
Từ một tay ngang trong ngành nông nghiệp, Hoà Phát làm thức ăn chăn nuôi, bán bò thịt, bán trứng, mỗi quý thu về hơn 2.000 tỷ doanh thu và 400-500 tỷ lợi nhuận trước thuế. Quý 3/2021, do ảnh hưởng của Covid và giá heo giảm sâu, lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hoà Phát sụt giảm mạnh còn 79 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Hoà Phát vẫn đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ phát triển doanh thu mảng nông nghiệp gấp đôi năm 2021, dự kiến xấp xỉ 20.000 tỷ, lợi nhuận đặt kế hoạch thận trọng 1.700 – 1.800 tỷ, sản lượng thức ăn chăn nuôi 850.000 tấn, 200.000 con bò, 300 triệu quả trứng, 780.000 con heo thành phẩm trong năm.
Lịch sử phát triển ngành hàng mới của Hoà Phát đều bắt nguồn từ những khó khăn gặp phải trong quá trình kinh doanh. Trước năm 1996, cả miền Bắc có duy nhất một công ty làm ống thép ở Hải Phòng với sản lượng chỉ 2.000 tấn/tháng, rất ít. Đi mua ống thép khó khăn quá, còn phải “lót tay” mới mua được nên ban lãnh đạo “bực mình” đi tìm hiểu xem làm thế nào và sang Đài Loan mua máy về, và thành lập công ty sản xuất ống thép vào 20/8/1996.
Từ chỗ ngày đầu mới thành lập chỉ có 2-3 máy uốn ống tại Nhà máy ở Hưng Yên, đến nay Ống thép Hòa Phát đã có 06 Nhà máy tại cả ba miền với cả trăm dây chuyền uốn ống, 05 dây chuyền sản xuất ống mạ nhúng nóng, 11 dây chuyền sản xuất tôn mạ kẽm công suất thiết kế tất cả các nhà máy đạt 1 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 2010-2020, sản lượng ống thép đã tăng 8 lần trong 10 năm. Về thị phần, Hòa Phát đã xác lập và liên tục giữ vững vị thế số 1 trên thị trường ống thép suốt 20 năm qua. Hiện nay, cứ 3 cây ống thép được bán ra ở VN thì có 1 cây ống thép là do Hòa Phát sản xuất.
Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp trên phạm vi cả nước, Ống thép Hòa Phát dự kiến đạt sản lượng khoảng 920.000 tấn, doanh thu xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 9% về sản lượng và 24,8% về doanh thu so với 2020 và gấp hơn 330% so với năm 2015.
Mục tiêu của Công ty đến năm 2025 sẽ đạt sản lượng 1,25 triệu tấn, thị phần 35%. Trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025, Công ty dự kiến đầu tư xây dựng mới Nhà máy sản xuất ống thép Hòa Phát quy mô lớn nhất cả nước tại KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Mặc dù có một năm viên mãn, nhưng cuối cùng, điều duy nhất khiến tỷ phú Long phiền lòng lúc này có lẽ là giá cổ phiếu HPG. Ở thời điểm 22/12, chỉ còn 1 tuần nữa là hết năm, HPG đang giao dịch quanh vùng giá dưới 45.000 đồng/cp, tương đương giảm hơn 22% so với đỉnh – thời điểm công bố báo cáo quý 3 HPG lãi kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng sau thuế. Khắp các diễn đàn là tiếng kêu khóc của nhà đầu tư vì giá cổ phiếu đang đi ngược hoàn toàn với triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Hòa Phát vừa mua thêm một tàu dòng Kamsarmax có tải trọng hơn 80.000 tấn, chuyên chở hàng rời, phục vụ một phần nhu cầu vận chuyển nguyên liệu than, quặng cho Tập đoàn. Nhiều ý kiến cho rằng, tàu này nếu dùng để chở nhà đầu tư đang thua lỗ cổ phiếu HPG về bờ, có lẽ cũng không đủ chỗ.
Giá cổ phiếu HPG giảm 22% trong 2 tháng – Ảnh: FireAnt
Theo Tổ Quốc