Tại sao hệ thống của HOSE không đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư? Các cơ quan quản lý ngành chứng khoán đã làm gì để chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng cũng như “dọn ổ đón đại bàng ngoại” khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường vốn quốc tế?
Đâu đó vẫn có người lạc quan tếu theo kiểu: May mà HOSE tắc nghẽn, lệnh không khớp, nên tôi tránh bán đúng đáy, hoặc không mua trúng đỉnh.
Dù đây chỉ là lời nói đùa nhưng cũng cần làm rõ rằng nhiệm vụ của HOSE không phải là chọn điểm mua-bán giúp cho nhà đầu tư mà là đảm bảo giao dịch được thông suốt và minh bạch. Nếu hệ thống hoạt động trơn tru, khớp lệnh nhịp nhàng thì tức là HOSE đã làm tốt nhiệm vụ của mình, nhà đầu tư dù lãi hay lỗ cũng không có lý do gì để oán trách sàn giao dịch.
Tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó đặt ra mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt mức 3% dân số vào cuối năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Tính đến cuối tháng 2/2021, Việt Nam có gần 2,92 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tương đương mục tiêu 3% dân số theo Đề án, không phải con số cao bất ngờ.
Từ tháng 12/2020 trở lại đây, Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) liên tục gặp phải tình trạng đơ, nghẽn lệnh vào phiên buổi chiều khi giá trị giao dịch chạm ngưỡng 14.000 – 15.000 tỷ đồng.
Thời gian khớp lệnh liên tục lẽ ra tới 14h30 mới kết thúc nhưng chỉ đến khoảng 13h30 – 14h00 là hệ thống của HOSE ngừng nhận lệnh gần như hoàn toàn, chỉ có một số rất ít giao dịch được khớp.
Trong khi các sự cố ở Mỹ, Nhật, Ấn Độ như nhắc đến ở trên được khắc phục sau vài phút, vài giờ hay quá lắm là vài ngày thì ở Việt Nam, thời gian phải đo bằng tháng mà vẫn chưa xử lý xong. Các lãnh đạo HOSE cũng chưa một lần lên tiếng chịu trách nhiệm hay xin lỗi nhà đầu tư.
Khi sàn NSE của Ấn Độ gặp lỗi hai phiên, Bộ trưởng Tài chính nước này đã phải nói đến “thiệt hại khổng lồ”.
Khi sàn TSE của Nhật Bản đóng cửa một phiên, cơ quan quản lý đã thừa nhận “làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của nhà đầu tư”.
Vậy khi HOSE lỗi suốt ba tháng thì ảnh hưởng với Việt Nam còn lớn đến đâu? Phải dùng từ ngữ nào để diễn tả?
Bản thân HOSE và ngân sách Nhà nước chịu thiệt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm vì thất thu phí.
Nhà đầu tư càng bức xúc hơn khi không thể giao dịch theo ý muốn. Thấy cổ phiếu rẻ nhưng không thể mua vào, thấy giá đạt kỳ vọng nhưng không thể bán ra, không thể chốt lời hay cắt lỗ vào phiên chiều, …
Nhưng có lẽ cái hại lớn nhất là về sự suy sụp niềm tin của nhà đầu tư. Đã có bao nhiêu người bỏ HOSE để sang HNX và UPCoM, hoặc thậm chí nghỉ hẳn chứng khoán, vì nghẽn lệnh? Đã có bao nhiêu nhà đầu tư, trong nước cũng như ngoài nước, định gia nhập thị trường nhưng thấy sàn lỗi liên tục nên lại thôi? Việc khối ngoại bán ròng gần 1 tỷ USD trong mấy tháng qua cũng không loại trừ khả năng xuất phát từ lo ngại lỗi giao dịch.
Trong những phiên đỏ lửa như 19/1 hay 28/1, bảng điện không còn hiển thị đúng giá theo thời gian thực, nhà đầu tư mua bán tù mù, cộng thêm nỗi lo hệ thống HOSE sắp đến ngưỡng quá tải nên đã liên tục đặt các lệnh MP để bán tháo bằng mọi giá. Vì thế mà đà lao dốc của thị trường càng thêm trầm trọng và người thiệt hại cũng vẫn là nhà đầu tư.
Thiệt hại với nhà đầu tư tuy khó lượng hóa chính xác nhưng có thể khẳng định là rất lớn. Người có tiền không mua được hàng, người có hàng không bán được tiền, thấy lời không chốt được, thấy lỗ không cắt được, thấy giá cao không xả được, thấy giá thấp không gom được.
Đến nay, các bên liên quan đã đưa ra nhiều lời giải thích nhưng chưa có ai tuyên bố chịu trách nhiệm hay nhận lỗi về mình, cũng chưa có ai phải chịu các biện pháp kỷ luật.
Việt Nam liên tục đặt mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi trong các năm 2018, 2019 và 2020. Tuy thực tế chúng ta lỡ hẹn nhưng HOSE đã chuẩn bị những gì cho cuộc đua lên hạng? Tại sao hiện nay sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống 20 năm tuổi và lấy cớ “thanh khoản thị trường tăng cao đột ngột” để lý giải cho việc nghẽn lệnh, gián đoạn giao dịch triền miên?
Hệ thống giao dịch chứng khoán bị gián đoạn là vấn đề nghiêm trọng, gây ra những bất tiện và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc quy trách nhiệm và xác định nguyên nhân để khắc phục được cơ quan quản lý ở các nước hết sức coi trọng.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)