Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.
Theo hiệp hội, đây là gói tín dụng thương mại được giảm 1,5-2% lãi suất so với lãi suất vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Nhận định này được HoREA đưa ra vì gói tín dụng không đảm bảo 2 tiêu chí là lãi suất thấp và thời hạn vay ưu đãi dài hạn.
Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại. Quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8-5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm.
Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn như Nghị định 49 của Chính phủ quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Trong khi đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước lại có lãi suất 8,2%/năm cho người mua nhà, áp dụng đến 30/6 và định kỳ 6 tháng một lần sẽ có sự thỏa thuận giữa ngân hàng với người vay. Còn thời gian ưu đãi lãi vay chỉ 5 năm là quá ngắn.
Hiệp hội nhận định mức lãi suất 8,2%/năm là quá cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị. Như trường hợp căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và người mua được vay 80% là 800 triệu đồng với lãi suất 8,2%/năm thì chỉ riêng lãi vay bình quân năm đầu tiên là 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.
Lãi suất áp dụng là 8,7%/năm trong 3 năm với chủ đầu tư, theo HoREA, chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.
Do các bất cập, hiệp hội dự đoán gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể bị ế. Hiệp hội đánh giá cao gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất mới đây.
Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước, đáp ứng được khoảng 30% nguồn vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Đơn vị này đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nên dành một phần gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và gói 40.000 tỷ đồng giảm 2% lãi suất năm 2022 nhưng kết quả giải ngân chưa đáng kể để sử dụng các nguồn vốn này hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay nhưng có triển vọng phục hồi, phát triển trở lại, trong đó có bất động sản.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói hiện đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay, các địa phương đã công bố nhu cầu vay gói 120.000 tỷ đồng: Bắc Giang 4.527 tỷ đồng, Hải Phòng 3.892 tỷ đồng…
Phát biểu lại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thông tin về nhu cầu vay vốn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội của các địa phương.
Cụ thể, đến nay, đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như Bắc Giang 4.527 tỷ đồng, Hải Phòng 3.892 tỷ đồng, Bình Định 1.832 tỷ đồng, Phú Thọ 441 tỷ đồng, Đà Nẵng 545 tỷ đồng, Trà Vinh 420 tỷ đồng…
Bộ trưởng nhắc lại việc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn triển khai liên quan đến thời gian ưu đãi lãi suất. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi gói tín dụng này và ủy quyền cho UBND cấp tỉnh kiểm tra, xem xét kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở cho vay.
Tổng Hợp
(Dân Trí)