Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, TP trong nửa đầu năm 2020 đã thu hút 2 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài (tương đương giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước) bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
(Ảnh: Internet)
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM đạt 2 tỷ USD giảm gần 35%
Nửa đầu năm 2020 ghi nhận, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP đạt 2 tỷ USD, tương đương giảm 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, nguồn vốn này bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Đi vào các con số cụ thể, hình thức đầu tư đăng ký cấp mới có 533 dự án với vốn đạt 294,5 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước, số dự án giảm 6,8%, vốn giảm 44,3%;
Điều chỉnh vốn đầu tư có 93 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 197,8 triệu USD, giảm 30,7% so với năm trước;
Trong khi đó, có 2.227 trường hợp góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 1.523,5 triệu USD, giảm 33% so với năm trước.
Theo ngành hoạt động, ngành thương nghiệp dẫn đầu vốn đăng ký 635,3 triệu USD, chiếm đến 31,5%; hoạt động kinh doanh bất động sản 178,4 triệu USD, chiếm 8,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 298,1 triệu USD, chiếm 14,8%; thông tin truyền thông 113,5 triệu USD, chiếm 5,6%; xây dựng 107,6 triệu USD, chiếm 5,3%.
Còn xét theo cơ cấu đối tác đầu tư, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần. Trong đó, Singapore 536,4 triệu USD, chiếm 26,6%; Hàn Quốc 313,6 triệu USD, chiếm 15,6%; Nhật Bản 307,9 triệu USD, chiếm 15,3%; British Virgin Islands 153,6 triệu USD, chiếm 7,6%; Hà Lan 92,5 triệu USD, chiếm 4,6%; Cayman Islands 75,9 triệu USD, chiếm 3,8%; Trung Quốc 75 triệu USD, chiếm 3,7%; Hoa Kỳ 73,1 triệu USD, chiếm 3,6%.
Ảnh hưởng từ COVID-19, ổng vốn đầu tư trên TP.HCM giảm 11,2% so với cùng kỳ
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, vốn ngân sách địa phương trong 6 tháng đầu năm 2020 ước thực hiện đạt 10.729 tỷ đồng, tăng 32,5% kế hoạch. Báo cáo cũng đánh giá, đây là một trong những năm có vốn ngân sách ước thực hiện 6 tháng so cùng kỳ tăng cao nhất (năm 2020 tăng 32,5%, năm 2019 tăng 2,5%, năm 2018 tăng 7,9%). Ngoài ra, vốn ngân sách Trung Ương cũng tăng 13% đạt 3.785 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa, nguồn vốn Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm 18,4% xuống 9.129 tỷ đồng.
Cùng chịu tác động tiêu cực từ đại dịch, nguồn vốn ngoài Nhà nước trong kỳ cũng giảm 13,7% còn 94.468 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều ảnh hưởng, trong đó các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là khách sạn, nhà hàng, vận tải, dệt may, da, giày, sản xuất ngành nhựa.
Tương tự, vốn liên doanh nước ngoài ước tính 6 tháng đạt 30.320 tỷ đồng, so cùng kỳ giảm 15,6%. Được biết, nguồn vốn này giảm mạnh cả về đăng ký mới và những dự án chuyển tiếp, nhiều dự án liên quan đến nhập khẩu máy móc thiết bị đi kèm công trình xây dựng đều bị chậm trễ.
Điển hình như dự án tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên có liên quan đến vốn đầu tư từ nước ngoài, theo dự tính trong quý II này sẽ nhập về các toa tàu về để chạy thử kỹ thuật, nhưng do dịch COVID-19 nên phải tạm hoãn đến cuối quý 3 năm 2020. Nhiều dự án khác cũng có tình trạng tương tự.