Theo dữ liệu của Coinmarketcap, hơn 150 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi toàn bộ thị trường tiền điện tử trong 24h qua, giá tiền điện tử giảm diễn ra khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc sau cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.
Biến động giá của tiền điện tử thường tương quan với biến động của các tài sản rủi ro khác như cổ phiếu. “Các tài sản rủi ro tiếp tục bị đè nặng bởi xung đột và căng thẳng Nga-Ukraine. Điều này bao gồm Bitcoin và tiền điện tử hiện vẫn được coi là một loại tài sản có rủi ro cao”, Vijay Ayyar, phó Chủ tịch phát triển công ty và quốc tế tại sàn giao dịch tiền điện tử Luno cho biết.
Mỹ và Anh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng, cá nhân của Nga và khoản nợ có chủ quyền của quốc gia này. Liên minh châu Âu sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào 24/2 và có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Nga.
Tiền điện tử đã phải chịu áp lực kể từ khi Bitcoin đạt mức cao kỷ lục gần 69.000 USD vào đầu tháng 11/2021. Kể từ đó, Bitcoin đã giảm gần 50% giá trị. Trong khi đó, hợp đồng tương lai Dow Jones tính đến trưa 24/2 đã giảm 742 điểm, tương đương 2,25%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm hơn 2%. Tương tự, Hợp đồng tương lai Nasdaq cũng giảm hơn 2,6%.
Không chỉ vậy, giá dầu thô giao sau của Mỹ cũng tăng 4,73% lên mức 96,46 USD/thùng. Dầu thô Brent giao sau tăng 4,69% lên 101,93 USD/thùng, vượt qua mức 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014. Trong phiên giao dịch tối qua, chỉ số Dow Jones đã giảm khoảng 464 điểm, tương đương 1,38%. Chỉ số S&P 500 giảm 1,84%, tương tự Nasdaq cũng mất hơn 2,57%. Dữ liệu của BofA Global Research cho thấy, mối tương quan giữa Bitcoin và S&P 500 ngày càng rõ ràng, làm tiêu tan kỳ vọng của những người tin rằng có thể sử dụng tiền điện tử như một hàng rào chống lại sự hỗn loạn của thị trường.
Gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã gặp khó khăn do triển vọng của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ phía Cục Dự trữ Liên bang. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường chao đảo là do trong bài phát biểu trên truyền hình khoảng 10h sáng giờ Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía Đông Ukraine. Theo ông, các lực lượng Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine mà chỉ “phi quân sự hóa”, nhưng Nga sẽ tự vệ nếu đó là lựa chọn duy nhất.
Tổng thống Putin kêu gọi binh sĩ Ukraine hãy buông bỏ vũ khí và quay về nhà. Ông cũng không quên lên tiếng cảnh báo tất cả các quốc gia can thiệp hoặc dám đe dọa tới đất nước, người dân Nga sẽ phải gánh chịu những kết quả có thể sẽ còn tồi tệ hơn từng xảy ra trong lịch sử. Sau bài phát biểu của ông Putin, thủ đô Kiev của Ukraine bỗng rung chuyển vì nhiều tiếng nổ, nhiều thành phố khác như Odessa, Kharkiv tình hình chiến sự cũng bắt đầu leo thang.
Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba ngay lập tức gọi đây là một cuộc chiến tranh xâm lược đất nước và kêu gọi các quốc gia trên thế giới hãy hành động để ngăn chặn Tổng thống Putin. Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án động thái của Nga là vô cớ và phi lý khi nhằm vào Ukraine. Ông Biden cho biết sẽ có thêm những “hậu quả” dành cho Nga.
Tổng Hợp