Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa có báo cáo thống kê thị trường trái phiếu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, có tổng cộng 599 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt hơn 132.300 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai với tổng khối lượng phát hành 126.700 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 11% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 – 13%/năm. Trong ba quý đầu năm, có ba đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của CTCP Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD).
Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành trong tháng, với tổng giá trị phát hành 13.860 tỷ đồng, chiếm 47% tổng giá trị phát hành. Các ngân hàng có khối lượng phát hành lớn gồm BIDV (3.240 tỷ), OCB (2.000 tỷ), Vietinbank (2.050 tỷ).
Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 8.394 tỷ đồng, trong đó khoảng 11% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Một số trái phiếu có khối lượng phát hành lớn nổi bật trong tháng gồm SeABank (3.000 tỷ đồng), Masan Hightech Materials (2.400 tỷ đồng), BIDV (2.300 tỷ đồng),… Kỳ hạn phát hành chủ yếu trong khoảng 1-5 năm. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 9,5 – 12%/năm.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, thị trường trái phiếu Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 30% trong 10 năm qua, thuộc top thị trường cao nhất châu Á. Trong ba năm gần đây, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có lúc vượt quy mô huy động từ trái phiếu chính phủ.
Theo phân tích của nhóm chuyên gia Fiin Group, phần lớn các doanh nghiệp BĐS không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng nên TPDN dần trở thành kênh huy động vốn thay thế. Sau giai đoạn chững lại vào cuối năm ngoái bởi những quy định siết chặt, thị trường TPDN bắt đầu nóng trở lại trong vài tháng gần đây, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS).
Phần lớn các thương vụ trái phiếu quy mô lớn được thực hiện trong quý II và quý III, phục vụ đồng thời hai mục đích M&A dự án và cơ cấu nợ, đảo nợ.
Ngoài những rủi ro về nền tảng pháp lý, tín dụng, lãi suất, bất cân xứng thông tin giữa bên mua và bên bán cũng là rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù đã có những quy định về công bố thông tin đối với tổ chức phát hành, tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng đầy đủ thông tin công bố (tình hình tài chính, tài sản đảm bảo,…), nhất là các doanh nghiệp chưa đại chúng. Chưa kể thời điểm phát hành và thời điểm doanh nghiệp phát hành còn có độ trễ vài tháng.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)