Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết đang hoàn thiện những bước cuối cùng đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động, đồng thời đưa 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên giao dịch sau khi khai trương hệ thống.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, HNX đã triển khai xây dựng phần mềm, xây dựng hệ thống giai đoạn 1 với các chức năng cơ bản phục vụ hoạt động giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng Core I5, theo chuẩn dữ liệu FIX 4.4, là chuẩn dữ liệu quốc tế về giao dịch, truyền nhận dữ liệu tài chính. Hệ thống cho phép tích hợp nhiều thị trường, có khả năng giao dịch nhiều loại hàng hóa trên cùng một nền tảng.
Năng lực xử lý của hệ thống có thể đạt 20 – 30 triệu lệnh/phiên, đảm bảo khả năng xử lý lệnh trong cùng một thời điểm đạt ngưỡng 15.000 – 20.000 lệnh/giây.
Theo HNX, các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thanh toán theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch, tương tự phương thức thanh toán đang áp dụng trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán.
Theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153/NĐ-CP) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cũng quy định rõ việc đăng ký giao dịch trái phiếu tại sở giao dịch chứng khoán không hàm ý sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho tính hợp pháp của đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp, cũng như việc thanh toán đầy đủ lãi, gốc của trái phiếu.
Doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đăng ký giao dịch và các thông tin công bố.
Doanh nghiệp phải giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.
Trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ – CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và còn dư nợ, phải thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch.
HNX đã xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên nền tảng hệ thống giao dịch Core I5, theo chuẩn dữ liệu FIX 4.4 là chuẩn dữ liệu quốc tế về giao dịch, truyền nhận dữ liệu tài chính.
Với các chức năng cơ bản của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trước mắt sẽ phục vụ 2 phân hệ monitor và thành viên. Đối với phân hệ monitor bao gồm các chức năng vận hành thị trường; cài đặt các tham số của thị trường; quản lý thành viên, trái phiếu, tổ chức phát hành; thống kê và tính phí giao dịch. Đối với phân hệ thành viên sẽ có các chức năng đặt lệnh, tra cứu sổ lệnh, thống kê giao dịch…
Phương thức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dự kiến áp dụng là giao dịch thỏa thuận (thỏa thuận thị trường và thỏa thuận thông thường) thông qua các thành viên giao dịch.
Ở diễn biến liên quan, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký, giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước và sẽ có hiệu lực từ 1/7. Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 65/2022 do Chính phủ ban hành trong đó có việc ký văn bản xác nhận đã thực hiện các quy định và phải tự chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.
Cụ thể, Nghị định 65/2022 quy định, nhà đầu tư phải ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu. Đồng thời, nhà đầu tư phải hiểu rõ về các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu; hiểu rõ và đảm bảo tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.
Cùng với đó, nhà đầu tư tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
Tổng Hợp
(VTV, Người quan sát)