Bộ trưởng xây dựng cho biết, đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản (BĐS) trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách. Hoạt động kinh doanh trong quý III của 9 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất sàn chứng khoán…
Dù doanh thu thuần đều sụt giảm nhưng lợi nhuận ròng một số doanh nghiệp BĐS tăng vọt bất ngờ. Bên cạnh nhìn những con số về doanh thu, lợi nhuận để đánh giá sức khỏe của các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới chi phí trong quá trình hoạt động kinh doanh ngoài giá vốn hàng bán.
Tính tới ngày 1/11, có 9 doanh nghiệp BĐS có giá trị vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng bao gồm: Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã: NVL), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (mã: BCM), Công ty cổ phần Vincom Retail (mã: VRE), Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR), Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã: KDH), Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (mã: VPI), Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).
Số liệu cho thấy Vinhomes là doanh nghiệp BĐS có giá trị vốn hóa lớn nhất với 195.947 tỷ đồng, xếp thứ 2 là Novaland với 136.488 tỷ đồng tính tại thời điểm ngày 31/10/2022.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp BĐS này đều đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2022. Trong bối cảnh thị trường BĐS gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung, bức tranh kinh doanh của các “ông lớn” này ra sao trong quý vừa qua?
Thu hút nguồn vốn FDI lĩnh vực BĐS năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI). Đến tháng 9 năm nay, giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính là khoảng 1,7-1,8 triệu tỷ đồng.
Những con số này cho thấy đóng góp quan trọng của ngành BĐS đối với nền kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp BĐS lớn, niêm yết trên sàn chứng khoán có đóng góp lớn đối với sự phát triển chung của toàn ngành.
Là doanh nghiệp lớn nhất thị trường, quý III vừa qua Vinhomes cũng là đơn vị có mức doanh thu cao nhất với con số 17.805 tỷ đồng. Doanh thu của Novaland là 3.279 tỷ đồng, bằng khoảng 18% so với Vinhomes. Các đơn vị khác thuộc nhóm BĐS thương mại như Khang Điền, DIC Corp, Văn Phú đều có doanh thu khá khiêm tốn dưới 1.000 tỷ đồng. Thậm chí, doanh thu quý III của Phát Đạt chỉ là 11 tỷ đồng.
2 doanh nghiệp thuộc nhóm phi thương mại là Becamex, Vincom Retail có doanh thu lần lượt 2.263 và 2.000 tỷ đồng.
Ngoài so sánh con số tuyệt đối, mức độ tăng trưởng doanh thu cho thấy rõ hơn về hoạt động kinh doanh của 9 doanh nghiệp lớn BĐS. Theo đó, chỉ có Becamex và Vincom Retail có tăng trưởng tích cực về doanh thu so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, nhóm BĐS thương mại đều ghi nhận sự sụt giảm.
Với Becamex, doanh nghiệp này được hưởng lợi chung từ xu hướng tích cực của nhóm doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp. Kể từ đầu năm, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp quay trở lại các khu công nghiệp (KCN) để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Không ít doanh nghiệp lớn như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek… đều công bố kế hoạch mở rộng, tăng vốn, hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.
Đối với Vincom Retail, hoạt động kinh doanh bình thường trên khắp cả nước khiến số lượng khách đến các trung tâm thương mại phục hồi bền vững. Tăng trưởng doanh thu của mảng cho thuê chủ yếu đến từ việc mở mới các trung tâm thương mại và gói hỗ trợ khách thuê thực tế đã giảm đáng kể do khách thuê hầu hết đã trở lại hoạt động bình thường.
Ngoài ra, doanh nghiệp này có mối quan hệ vững chắc với các thương hiệu quốc tế và chuỗi cửa hàng – là những đối tác đang lên kế hoạch mở rộng cửa hàng sau đại dịch.
Tổng Hợp