Hoạt động cho vay được giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu. Tổng giám đốc một ngân hàng quy mô vừa cho hay, room tín dụng được nới thêm vừa rồi không nhiều, nên ngân hàng hạn chế cung ứng vốn cho khách hàng mới, mà chủ yếu giải ngân cho những hợp đồng cũ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 11/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đầu năm 2022 vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm, sẽ có khoảng 3,8% room tín dụng cho tháng 12. Đây là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cấp vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, vì mức tăng thêm tương đương 240.000 tỷ đồng, nhưng nguồn tín dụng chỉ được “nắn” vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất – kinh doanh. Với tình hình hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Trong khi đó, ngân hàng phải kiểm soát chặt đường đi của dòng vốn trong bối cảnh room tín dụng hạn chế và rủi ro nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận xét, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng 1,5 – 2% vừa qua là phù hợp với thực tế, nhưng chỉ tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất – kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên. Còn đối với lĩnh vực rủi ro, vốn tín dụng sẽ rất khó tiếp cận, vì cơ quan quản lý sẽ xem xét kỹ trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị được cấp thêm room tín dụng. Ngoài sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, bản thân các ngân hàng thương mại và Hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay nhằm hạn chế nợ xấu.
Từ quý II/2022, nợ xấu của các ngân hàng có dấu hiệu gia tăng, nhất là sau khi các khoản nợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải tạm dừng tái cơ cấu vào cuối tháng 6/2022. Dù nỗ lực kiểm soát, thu hồi nợ xấu, song trước khó khăn của thị trường, nhất là lĩnh vực bất động sản ảm đạm, ngân hàng khó phát mại tài sản bảo đảm…, đòi hỏi các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Thực tế, khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ hết hiệu lực kể từ cuối tháng 6/2022, những ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu thì lợi nhuận sẽ không chịu áp lực. Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng tăng. Nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như khách hàng cá nhân thu nhập thấp gặp khó khăn trong điều kiện lãi suất, lạm phát có xu hướng tăng, khiến nợ xấu ngành ngân hàng tăng theo. Dự báo, tỷ lệ nợ xấu thời gian tới tiếp tục có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang có khó khăn nhất định, việc cho vay phải theo chủ trương “nắn” dòng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, không ít nhà băng đã từ chối khách hàng có nhu cầu vốn mua nhà ở. Thậm chí, đối với những khoản vay mua nhà cũ, một số nhà băng phải tạm dừng, do không có nhiều dư địa và nguồn vốn dồi dào để cho vay lĩnh vực bất động sản. Điều này khiến một bộ phận khách hàng cá nhân vay mua nhà “khóc dở, mếu dở”, dù chấp nhận trả lãi suất cao.
Ở các ngân hàng có quy mô thuộc tốp dưới, con số tuyệt đối tăng trưởng tín dụng không lớn, nên việc được nới thêm 1 – 1,5% room tín dụng vẫn không có nhiều dư địa để đẩy mạnh vốn ra thị trường ở mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng kể từ đầu quý IV/2022 đến nay, không chỉ vì thiếu tài sản bảo đảm, mà ngân hàng hết hạn mức để đẩy mạnh cho vay như 2 quý đầu năm.
Mặt khác, lãi suất cho vay dần tăng theo chi phí huy động vốn khi mặt bằng lãi suất tiền gửi “nóng ran” trong quý cuối năm 2022 cũng là bài toán buộc doanh nghiệp phải cân nhắc. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp đối với khoản tín dụng mới từ 12 – 15%/năm và 11 – 14%/năm đối với khoản vay cũ sau khi điều chỉnh.
Vì thế, dù được nới room tín dụng, song khả năng hấp thụ vốn cũng là thách thức, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo HoREA, hiện nay do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại “không dám” cho vay đối với một số trường hợp. Cụ thể, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới, mặc dù, có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận, do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt chuẩn tín dụng.
HoREA cho rằng nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.
Liên quan vấn đề này, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương đánh giá, hiện nay thị trường bất động sản đang chịu tác động bởi một loạt yếu tố như áp lực tăng giá, lạm phát tăng, nguồn vốn bị siết chặt. Trong đó, việc siết chặt tín dụng bất động sản có thể khiến thị trường gặp khó khăn một thời gian nhất định và ảnh hưởng đến tính thanh khoản của tài sản. “Theo góc nhìn của tôi, việc cùng lúc siết chặt các nguồn vốn đổ vào bất động sản nên được cân nhắc, bởi điều này không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà còn cả với phía người mua bất động sản với mục đích không phải đầu cơ”, ông Khương chia sẻ.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong quý cuối năm. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 100% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị, cả đầu ra và ở thị trường trong nước. Vì thế, theo ông Ánh, lãi suất nằm sau các nguyên nhân trên khiến tín dụng khó chảy mạnh.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Hải Quan)