Theo ghi nhận của Cushman & Wakefield, nửa đầu năm 2022, thị trường văn phòng tại Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng liên tục. Nhu cầu thuê văn phòng tăng cao trước sự tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nước và sự mở rộng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Dự báo nhu cầu tiếp tục khả quan, chủ yếu do tăng trưởng lao động văn phòng, nơi làm việc trong tương lai sẽ là một hệ sinh thái cung cấp nhiều lựa chọn cho nhân viên cả về loại hình không gian làm việc, thời gian làm việc và các tiện nghi xung quanh.
Báo cáo “Asia Pacific Office of the Future Revisited’ của đơn vị này nhận định rằng đa số các doanh nghiệp đều kỳ vọng một không gian văn phòng chất lượng, tầm nhìn bao quát và ở vị trí trung tâm để khẳng định vị thế cũng như thu hút khách hàng và nhân tài. Đồng thời, phần lớn nhân viên văn phòng ở Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam mong muốn được linh hoạt hơn trong cách làm việc.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian gần đây, văn phòng chia sẻ (co-working) được khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp mới khởi nghiệp tìm kiếm rất nhiều, cơ bản là do chi phí phải chăng. Savills Việt Nam đánh giá, nhu cầu văn phòng co-working tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng được thúc đẩy bởi sự phát triển về số lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng thêm yếu tố môi trường khởi nghiệp lành mạnh, đặc biệt khi Hà Nội có kế hoạch thêm khoảng 150.000 doanh nghiệp khởi nghiệp mới trong vòng 5 năm tới. Đây là môi trường khởi nghiệp màu mỡ bởi rất nhiều không gian co-working tại Việt Nam cung cấp môi trường hỗ trợ cho việc ươm mầm doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp giao lưu và chia sẻ ý tưởng đổi mới.
Nhu cầu không gian co-working cũng đồng thời tăng trong thời kỳ dịch bệnh, khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực gia tăng về tài chính. Bên cạnh mô hình co-working thường dành cho các nhóm các công ty khởi nghiệp, các công ty làm việc theo dự án, hoặc những công ty tìm văn phòng ngắn hạn…, một điểm đáng lưu ý của thị trường văn phòng sau đại dịch là xu hướng xuất hiện nhiều hơn của mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) và mô hình làm việc linh hoạt (agile working).
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, có thể thấy rằng các giao dịch lớn trên thị trường nằm ở nhóm khách hàng phân phối, Công nghệ thông tin & Truyền thông, sản xuất, tài chính, bất động sản, tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Phần lớn các công ty trong số các nhóm này là đều đang có xu hướng áp dụng mô hình làm việc kết hợp và linh động – hai mô hình hoàn toàn khác mô hình văn phòng co-working.
Với co-working, các khách thuê cùng chia sẻ một mặt bằng, cùng sử dụng các tiện ích chung như lễ tân, bảo vệ, dịch vụ vệ sinh. Còn mô hình văn phòng làm việc kết hợp/linh hoạt, với nhiều loại không gian khác nhau, giúp các công ty linh động trong việc thiết kể văn phòng. Thay vì chỗ ngồi cố định, có thể thay đổi thành các khu vực làm việc chung, làm việc theo nhóm, thúc đẩy tương tác nhiều hơn giữa nhân viên mà vẫn tạo được không gian riêng cho việc họp online hay họp tập trung, tăng hiệu suất làm việc. Quan trọng hơn là xây dựng và gắn kết nhân viên theo văn hóa và giá trị cốt lõi của mỗi doanh nghiệp.
Tổng Hợp