Mức lỗ hơn 1.609 tỷ đồng năm 2019 trong báo cáo tự lập của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG, sàn HoSE) đã phình to ra sau kiểm toán. Dù vậy, khó khăn không hoàn toàn khép lại mọi cơ hội cho đại gia phố núi này.
Nhiều ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai năm 2019 là âm 1.808,8 tỷ đồng, tăng thêm tới 200 tỷ đồng so với báo cáo trước kiểm toán. Công ty cho biết, nguyên nhân lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay lớn. Công ty còn phải ghi nhận khoản lỗ khác lên tới 1.408 tỷ đồng do đánh giá lại các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây do chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái. Ngoài ra, một phần nữa là khoản bị ảnh hưởng từ dự phòng đầu tư do các khoản lỗ từ công ty con.
Bên cạnh việc tăng lỗ sau kiểm toán, tại báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên Nguyễn Thị Như Quỳnh thuộc Công ty Ernst & Young Việt Nam đã nêu một loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh. Cụ thể, tại ngày 31/12/2019, Công ty đã ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với giá trị hơn 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, với các thông tin hiện có, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư một phần nợ tồn đọng bao gồm trong số dư trên.
Quý I/2020, lỗ trước thuế của Hoàng Anh Gia Lai là 79 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay tăng, lỗ do đánh giá chênh lệch tỷ giá cao và Tập đoàn tiếp tục thực hiện đánh giá lại các tài sản không hiệu quả.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I/2020 đạt 836 tỷ đồng, tăng 426 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trái cây tăng 496 tỷ đồng, do diện tích thu hoạch trái cây nhiều hơn so với quý I/2019.
Ngoài ra, trong năm 2019, Công ty không ghi nhận dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 20/3017/NĐ-CP, với số tiền ước tính 147,5 tỷ đồng, do Công ty áp dụng các nội dung mới của Dự thảo sửa đổi Nghị định 20 chưa được phê duyệt chính thức tại ngày phát hành báo cáo tài chính.
Kiểm toán viên cho biết, nếu Công ty thực hiện ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định 20 và không hoàn nhập chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đã ghi nhận các năm trước, thì chỉ tiêu “chi phí khác” sẽ tăng với số tiền 335,3 tỷ và chỉ tiêu “chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” sẽ tăng 147,5 tỷ đồng. Theo đó, chỉ tiêu “lỗ trước thuế” và “lỗ sau thuế” sẽ tăng với số tiền lần lượt là 335,3 tỷ đồng và 482,8 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu “lỗ lũy kế” sẽ tăng 482,8 tỷ đồng.
Nhọc nhằn tìm lối thoát
Về phương án khắc phục hậu quả, bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, trong văn bản giải trình, đã cho biết, năm 2019, Công ty đã hoàn tất việc chuyển nhượng một số công ty con và dùng nguồn tiền thu được để trả nợ vay ngân hàng. Như vậy, sang năm 2020, với số dư nợ vay giảm đáng kể, Công ty sẽ giảm áp lực về chi phí lãi vay.
Ngoài ra, trong năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai đã rà soát thanh lý các vườn cây cao su, cọ dầu kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Sang năm 2020, hoạt động sản xuất – kinh doanh của Công ty sẽ được tinh gọn, tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là cây ăn trái, đang là nguồn tạo ra doanh thu hiệu quả của Công ty trong thời gian qua.
Phương án xử lý khó khăn tài chính hiện nay của Hoàng Anh Gia Lai tuy còn khá nhọc nhằn, nhưng không phải không có lối thoát. Công ty cho biết, sau khi hoàn thành báo cáo tài chính năm 2019, cũng đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ các dự án đang triển khai và tái cơ cấu một số khoản nợ.
Bên cạnh đó, Công ty đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Theo đó, Công ty có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong năm tài chính tiếp theo.