Thường vụ Quốc hội kết luận tôn trọng lựa chọn tham gia sàn giao dịch bất động sản của người dân.
Thừa ủy quyền của Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần vừa ký văn bản số 2205/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023.
Hoàn thiện quy định về sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản, công chứng, bảo lãnh, đặt cọc, thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản… đảm bảo cụ thể, khả thi, an toàn pháp lý, không làm phát sinh “điểm nghẽn” về chính sách.
Khuyến khích nhưng tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân; quy định rõ mối quan hệ giữa xác nhận giao dịch qua sàn với công chứng và đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản để bảo đảm quyền lợi cho người mua.
Nghiên cứu bổ sung quy định về chương trình đào tạo và bằng cấp, chứng chỉ đối với đào tạo bồi dưỡng kiến thức điều hành sàn giao dịch bất động sản;
Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ, đào tạo, cấp chứng chỉ, thời hạn của chứng chỉ đối với hoạt động môi giới hướng tới chuyên nghiệp; quy định điều kiện được hoạt động môi giới và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng liên quan đến đất đai, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trên cơ sở đó, kiến tạo để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, ổn định, vận hành thông suốt với các thị trường liên quan như thị trường vốn, tiền tệ, tín dụng.
Xây dựng kế hoạch để cân đối cung cầu, tạo mặt bằng giá bất động sản phù hợp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; tăng cường thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.
Hoàn thiện quy định về điều tiết thị trường bất động sản để có quy định liên quan đến tái cấu trúc thị trường bất động sản, tái cấu trúc sản phẩm và có quy định nhằm bảo đảm Nhà nước có biện pháp điều tiết khi có biến động lớn của thị trường bất động sản, thị trường phát triển quá “nóng” hoặc thị trường “đóng băng”, đình trệ, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các quy định liên quan đến kinh doanh bất động sản bảo đảm hợp lý, bao quát các loại bất động sản được phép kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhưng không chồng lấn với các luật có liên quan.
Lưu ý việc đầu tư xây dựng bất động sản nên để Luật Xây dựng điều chỉnh.
Nghiên cứu để có căn cứ pháp lý xử lý trường hợp nhà đầu tư không còn đủ năng lực thực hiện dự án hoặc không muốn tiếp tục thực hiện dự án nhằm tiếp tục triển khai dự án và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nhưng không tạo ra kẽ hở, lợi dụng chính sách.
Đánh giá kỹ lưỡng tác động để quy định phù hợp, cụ thể điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đặc biệt là điều kiện về thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, nghĩa vụ thuế, phí;
Quy định việc chuyển nhượng phải bám sát nguyên tắc không làm thay đổi nội dung, tiến độ, chất lượng dự án, ràng buộc trách nhiệm của bên nhận chuyển nhượng; nghiên cứu, rà soát về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư.
Tổng Hợp
(ĐTCK)