Sự tăng giá bất thường trong khoảng thời gian ngắn đang khiến hiệu ứng “cơn sốt” lan tỏa khắp trong Nam ngoài Bắc, từ thành thị đến nông thôn…
Không đợi đến khi có dự án xây dựng sân bay, đường sá, trung tâm hành chính… mà ngay sau khi biết được thông tin, thậm chí chỉ là đề xuất của một cơ quan tham mưu, hay ý kiến của cá nhân trong hội nghị, hội thảo nào đó, nhiều người đã lợi dụng để tung tin thất thiệt, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm trục lợi.
Chỉ sau 2 tuần lên cơn sốt, giá đất khu vực Hớn Quản, Bình Phước, ngay lập tức đóng băng. “Ba ngày trước, có những miếng đất được “cò” rao bán với giá 350 triệu đồng cho 1 mét ngang mà nhiều người vẫn tranh nhau mua, nhưng đến nay không ai hỏi đến,” người dân An Khương (huyện Hớn Quản, Bình Phước) cho biết.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thẳng thắn thừa nhận ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án để “tạo sóng.” Đáng lo ngại là hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn… đang diễn ra phổ biến.
Trước “cơn sốt đất” đang diễn ra tại nhiều nơi, các chuyên gia nhận định ngay cả những khu vực không có dự án đầu tư lớn nào, thậm chí chưa có thông tin về sự tham gia của các chủ đầu tư lớn mà duy nhất chỉ có hoạt động của đầu cơ đã khiến giá đất “nhảy múa” thì cần phải xem lại.
Nhận định này khá phù hợp với thực tế đang diễn ra tại thị trường các khu vực ven đô Hà Nội, trong đó giới đầu cơ vẫn dành nhiều kỳ vọng cho đất khu vực Thạch Thất. Do trước đây có thông tin Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư dự án tại Thạch Thất nên giá của các lô đất quanh khu vực này được đẩy lên cao gấp 3-5 lần. Tại khu vực này, bán kính dưới 1km xung quanh khu công nghệ cao Hòa Lạc được nhiều người quan tâm. Cuối tuần, môi giới dẫn nhiều đoàn người đổ về xem, khảo giá rầm rập. Giá đất cũng từ đó mà nhích dần lên.
Nhiều “cò mồi” thường xuyên tụ tập ở những khu vực nông thôn, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc. “Đây là chính là những giao dịch không phù hợp quy định của pháp luật. Đất rừng, đất nông nghiệp chức năng là để sản xuất chứ không phải để mua bán giao dịch theo dạng kinh doanh bất động sản,” ông Đính nhấn mạnh.
Có trường hợp, một nhóm nhà đầu tư quyết định ‘lướt sóng’ thửa đất của người dân tại địa phương bán với giá 23 tỷ đồng. Họ đặt cọc cho chủ đất 4 tỷ đồng. Vài ngày sau, có một nhóm khác đến hỏi và trả giá mua miếng đất trên với giá 30 tỷ đồng. Biết rằng đây là chiêu trò của giới “cò đất” để dụ dỗ chủ đất phá cọc. Tuy nhiên, chủ đất vẫn quyết giữ lời hứa bán cho người đặt mua đầu tiên và nhóm người này sau đó không tìm được người để bán lô đất trên. Theo giá trị thực, lô đất trên chỉ có giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Nếu vẫn quyết tâm mua thì xem như nhóm nhà đầu tư trên bị lỗ 21 tỷ đồng còn nếu như bỏ cọc thì mất 4 tỷ đồng.
Hiện tượng “sốt đất” tại Việt Nam đã xuất hiện từ những năm 1993 khi thị trường chứng kiến “cơn sốt” đất từ việc ra đời Luật Đất đai năm 1993. Việc cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất một cách dễ dàng và thuận tiện hơn đã tạo ra một “cơn sốt” đất khắp cả nước. Từ đó đến nay, thị trường đã chứng kiến nhiều vụ “sốt đất” ở nhiều nơi trong cả nước, với tiêu điểm là hai lần xuất hiện “bong bóng” nhà đất cục bộ vào đầu những năm 2000 và 2007, nhưng ngay sau đó đóng băng và kéo theo nhiều hệ lụy.
Trong quá khứ, nhiều đợt “sốt đất” đã để lại những bài học nhãn tiền và khi thị trường đang quay cuồng như “lên đồng” hiện nay thì những cảnh báo và bài học đó dường như bị quên lãng và “con ma đất” vẫn như một ma lực cuốn hút, nhất là những nhà đầu tư “không chuyên.