Lại nở rộ tình trạng tháo chạy khỏi mặt bằng nhà phố cho thuê, hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố.
Báo cáo thị trường bất động sản mới công bố của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý II vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, nhu cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm và chi phí thuê mặt bằng cao.
Bộ Xây dựng dẫn chứng, mặt bằng trống khi nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh, treo biển cho thuê mặt bằng tại phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Giấy (Hà Nội); tại phố Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng, khu vực Hồ Con Rùa (TPHCM); tại phố Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn( Đà Nẵng)…
Cũng theo Bộ Xây dựng, mặt bằng thương mại trong quý II trên địa bàn cả nước không có dự án trung tâm thương mại, siêu thị lớn nào khai trương và đi vào hoạt động. Nguồn cung mới về mặt bằng thương mại vẫn tiếp tục hạn chế, nguồn cung chủ yếu được bổ sung thêm từ một số sàn thương mại của các tòa nhà hỗn hợp tuy nhiên số lượng không nhiều.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, trong nửa đầu năm tồn tại một tỷ lệ nhất định các mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng.
Thêm vào đó, việc các nhãn hàng sau Covid-19 đều hạn chế việc mở tràn lan các mặt bằng và chỉ tập trung vào một cửa hàng flagship, cho nên hệ thống những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc rất nhanh.
Sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về những chi tiêu cơ bản phần nào làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó các phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí và thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho những mặt hàng thiết thực hơn.
Ngoài ra, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn kể từ dịch Covid-19, các nhà bán lẻ sẽ cần thay đổi và thích nghi để phát triển trong bối cảnh hậu đại dịch. Theo đó, mua sắm trực tuyến đã và đang là lựa chọn mới của khách hàng trên nhiều phân khúc hàng hóa.
Các cửa hàng trực tuyến sẽ là nguồn thu hút khách hàng tiềm năng, nơi nhãn hàng chạm đến công chúng và mở rộng nhận diện thương hiệu của mình. Trong khi đó, những cửa hàng truyền thống cần được nhãn hàng nhìn nhận là nơi mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ, những tụ điểm vui chơi, giải trí và các trải nghiệm thực mà hình thức thương mại điện tử không thể đem lại.
Bên cạnh đó, các cửa hàng khi thuê mặt bằng sẽ cần tập trung đầu tư tối ưu hóa thiết kế và khả năng hoạt động để đáp ứng nhu cầu khách hàng và cung cấp dịch vụ tốt nhất.
Tổng Hợp
(Dân Trí)