Chính sách cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước bắt đầu được quy định tại Nghị quyết số 19/2008 của Quốc hội.
Tiếp đó, Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không nhiều, khoảng hơn 3.000 căn. Phân khúc chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Người nước ngoài mua nhà chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malaysia…
Do vậy, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, bên cạnh việc kế thừa luật cũ, cơ quan soạn thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Chẳng hạn, theo Bộ Xây dựng, không nên quy định người nước ngoài phải có quốc tịch Việt Nam mới được mua, sở hữu nhà ở, mà chỉ cần quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam” như dự thảo Luật. Đồng thời, không cần thiết phải quy định người nước ngoài phải mua nhà thông qua tổ chức trung gian.
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, đây là chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế, do đó không nên thu hẹp phạm vi đối tượng. Việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước, bởi pháp luật hiện hành cũng như dự thảo luật mới đã có các quy định chặt chẽ về điều kiện mua và sở hữu nhà của các đối tượng này.
Chẳng hạn, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở trong dự án nhà ở thương mại, dự án phải nằm trong khu vực được phép bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu quá 30% căn hộ trong một tòa nhà hoặc không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trong dự án. Người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tối đa 50 năm…
Là người nước ngoài sinh sống lâu năm tại Việt Nam, ông Kenneth M Atkinson, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh quốc tại Việt Nam cho rằng, cần thiết phải xây dựng luật pháp và quy định rõ ràng việc phê duyệt bán nhà cho người nước ngoài và Việt kiều. Cần sửa đổi các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để phù hợp với thực tế hiện nay.
“Tại Thái Lan, người dân châu Âu sinh sống làm việc rất nhiều. Thực tế này giúp đẩy mạnh phát triển địa ốc cũng như du lịch, bởi khi họ có nhà tại Thái Lan, họ sẽ quay lại hàng năm. Tương tự, nếu Việt Nam nới điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà thì họ cũng sẽ thường xuyên quay lại”, ông Kenneth M Atkinson nhấn mạnh.
Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (Việt kiều Canada) cũng cho rằng, cần sửa đổi chính sách để Việt kiều có thể dễ dàng mua bất động sản tại Việt Nam. Nếu điều này được thực hiện, nguồn kiều hối (ước tính vào năm 2023 khoảng 19,2 tỷ USD) có thể được sử dụng nhiều hơn để vực dậy thị trường bất động sản.
Hiện tại, nhiều Việt kiều mong muốn định cư tại Việt Nam, nhưng họ gặp khó khăn trong việc mua nhà, cũng không biết nơi mua, giá cả và quyền sở hữu như thế nào. Ông Peter Hồng lưu ý rằng, nhiều Việt kiều đã sống hàng chục năm ở nước ngoài, gửi tiền vào ngân hàng không có lãi suất, thậm chí còn phải trả phí. Do đó, họ muốn đầu tư, mua bất động sản tại Việt Nam và để lại cho con cháu trong tương lai thì cần sửa đổi luật để thu hút nguồn vốn rất lớn này.
Tổng Hợp
(ĐTCK)