Một Thầy giáo dạy cấp 3, hiện đang sống tại Bình Phước là trường hợp như thế. Nghề chính là Thầy giáo nhưng chính từ thời điểm dịch bệnh xảy ra, anh H trở thành một môi giới bất động sản “tay ngang” kiếm ra tiền từ đất. Những hệ lụy của việc dân không chuyên đi buôn đất trong khi thị trường chưa đủ minh bạch ở nhiều khía cạnh và đội ngũ môi giới cũng không có sự thống nhất về cơ chế quản lý nhà nước.
không làm đơn lẻ một mình, anh H kết hợp với những người bạn (trong đó, có bạn làm môi giới BĐS lâu năm tại Bình Phước) để tìm kiếm sản phẩm và khách hàng. Nguồn hàng theo an H chủ yếu là dân gửi bán hoặc nhà đầu tư đã mua trước đó bán lại. Bên cạnh đất dân thì team của anh H cũng môi giới các nền đất dự án tại khu vực Chơn Thành, Đồng Xoài…
Do là Thầy giáo nên theo cách anh H chia sẻ, khách mua rất tin tưởng, yên tâm. Cùng với đó, những nền đất anh H môi giới đều có pháp lý ổn cả nên khi người mua đi xem khá yên tâm. Bên cạnh những NĐT mới thì có lượng nhà đầu tư là người quen của anh H trong nghề hoặc được bạn bè các nơi giới thiệu. “Vì thế, tuy vất vả hơn nghề chính một xíu nhưng thấy cũng vui lắm. Nếu bán được đều đều thì thu nhập cũng khá khẩm hơn. Tuy vậy, cũng chỉ xác định là nghề tay trái thôi, còn vẫn sẽ gắn bó với nghề chính của mình”, anh H bộc bạch.
Thực tế, có khá nhiều người vào với lĩnh vực môi giới BĐS là từ nghề khác chuyển qua. Có nhiều người có duyên và gắn bó luôn với nghề. Trong đó, có lớp môi giới tuy không được đào tạo bài bản trong tổ chức nhưng có được kiến thức từ học hỏi bạn bè cùng với am hiểu thị trường khu vực sinh sống (am hiểu thổ địa) nên cũng làm được với nghề. Không thể phủ nhận, môi giới BĐS vẫn được xem là một trong những nghề có cơ hội kiếm tiền. Bởi đây là nghề có thu nhập khá tốt, người làm môi giới BĐS dễ chủ động thời gian cũng như có thể làm nghề tay trái sau công việc chính.
Nói là nghề tay trái, thế nhưng thu nhập mà công việc này đem lại đôi lúc còn cao hơn cả công việc chính mà người đó đang làm, khi hoa hồng giao dịch trong BĐS rất hấp dẫn. Tỉ lệ phần trăm hoa hồng trong một lần giao dịch thường là 1% đến 2% trên một sản phẩm, hoặc tùy theo mức cho hoa hồng mà người bán ra giá cụ thể khi sản phẩm có giá trị lớn. Với số tiền hấp dẫn như thế, nên cũng có không ít người đã quyết định từ bỏ công việc chính của mình để chuyển hẳn sang làm nghề môi giới BĐS, vì những mặt thuận lợi mà công việc này đem lại.
Theo Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định về điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ.
Điều này đã dẫn đến tình trạng hiện nay đội ngũ làm môi giới BĐS yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn sốt ảo để kiếm lợi.
Dù pháp luật quy định khá đầy đủ việc quản lý hoạt động của môi giới bất động sản (BĐS), sàn giao dịch, song thực tế, cơ quan quản lý, nhất là cấp địa phương vẫn buông lỏng cho “cò” đất lộng hành thổi giá nhà đất. Thực tế cho thấy, “cò” đất không chỉ lợi dụng thông tin xây dựng hạ tầng để thổi giá đất, mà ngay tại nhiều dự án BĐS, giới “cò” cũng lộng hành.
trước đó ngay trong báo cáo thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã lưu ý các địa phương cần chú ý nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh/thành phố như: TPHCM, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về BĐS, rất nhiều đơn vị môi giới BĐS đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội. Về tình trạng “cò đất” thổi giá, rao bán, huy động vốn khi chưa được phép, chưa đủ điều kiện đã chuyển nhượng, mua bán… ngày càng phức tạp, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo, đối với những thị trường BĐS vùng ven, tỉnh lẻ ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền cần phải hết sức lưu ý. Bởi theo vị này, trong mấy tháng đầu năm đã xảy ra tình trạng “sốt ảo” khi giá đất bị đẩy lên quá mức nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, thông tin về nhà ở và thị trường BĐS vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch, dẫn đến tình trạng thông qua các dự án BĐS, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua; hay việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thổi giá, gây sốt ảo BĐS.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, hoạt động của các sàn giao dịch BĐS còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý nhà nước về giao dịch BĐS gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch BĐS, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Tổng Hợp