Với tổng giá trị đấu giá hơn 37.000 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần giá khởi điểm, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm, TPHCM là cuộc đấu giá có giá trị lớn nhất từ trước đến nay.
Xét ở góc độ đấu giá tài sản thì việc doanh nghiệp trúng đấu giá cao như vậy đã tối đa hóa khoản thu ngân sách Nhà nước. Ngay cả khi các doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì theo Ủy ban Kinh tế, khoản tiền đặt cọc lớn vẫn được nộp ngân sách Nhà nước. Ủy ban Kinh tế cho biết sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ ra rằng quy định về phương án nộp tiền trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá dễ dẫn tới tình huống công ty trúng sẵn sàng chịu mất khoản tiền đặt cọc, không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.
Trên thực tế, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh đã xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá lô đất 3.9 và lô đất 3.12, chịu mất tiền đặt cọc.
UBND TPHCM đã quyết định hủy bỏ kết quả đấu giá quyền sử dụng đất của lô đất 3.9 và lô đất 3.12. Cho đến nay, cũng chưa có thông tin về việc hai doanh nghiệp còn lại là Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Theo Ủy ban Kinh tế, dù công ty trúng đấu giá sẽ thực hiện đúng cam kết nộp tiền sử dụng đất theo kết quả trúng đấu giá hay sẽ đơn phương hủy bỏ cam kết thì sau vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm thì cũng phát sinh một số vấn đề như gây tăng giá, tác động xấu đến thị trường.
Còn trường hợp công ty trúng đấu giá đơn phương xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì nảy sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đối với toàn xã hội. Đồng thời, đây có thể chính là hình thức “thổi giá” của doanh nghiệp, theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế.
Cụ thể là họ lợi dụng việc đẩy giá đất tại khu vực lên cao để tranh thủ bán các bất động sản của họ hoặc của các doanh nghiệp có liên quan đang kinh doanh tại TPHCM và các khu vực lân cận.
Số doanh nghiệp này cũng lợi dụng việc đấu giá để “đánh bóng” hình ảnh công ty nhằm tăng giá trị doanh nghiệp để phát hành trái phiếu, tăng giá cổ phiếu, tăng giá trị góp vốn liên doanh, mua bán nợ, mua bán dự án.
Qua việc đấu giá và bỏ giá cao, doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ tại các tổ chức tín dụng thông qua việc ký lại các hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất (sẽ định giá lại theo hướng tăng giá trị thế chấp).
Việc này, theo Ủy ban Kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ rối loạn, đổ vỡ hệ thống tín dụng, ngân hàng nếu không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm soát chặt chẽ. Cùng đó, các địa phương cũng khó tổ chức đấu giá lại và đấu giá các lô đất tiếp theo.
Đề cập đến nguyên nhân của các hạn chế, bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban Kinh cho biết là do quy định chưa rõ ràng về các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá.
Tiền đặt trước xác định theo giá khởi điểm được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng, trong khi giá trúng đấu giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, nên chưa ràng buộc được trách nhiệm thanh toán tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trúng đấu giá.
Thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như trong trường hợp của Thủ Thiêm) có thể bị các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như “thổi giá” bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng…
Trước những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất tại các đô thị, và từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm khi đưa tài sản ra đấu giá, phê duyệt phương án đấu giá, giá khởi điểm, giám sát quá trình tổ chức đấu giá và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tổng Hợp