Trong bối cảnh lực cung mạnh, các doanh nghiệp BĐS đã tận dụng cơ hội đẩy hàng, làm thương hiệu, lên kế hoạch kinh doanh năm 2021. Mọi thức đang được doanh nghiệp địa ốc ráo riết chuẩn bị.
Hết năm 2020, thị trường BĐS mặc dù thiếu nguồn cung, lực cầu giảm mạnh, nhưng các phân khúc BĐS vẫn còn nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp cung cấp cho thị trường 60.000 sản phẩm mới, tương đương 87,6% so với năm 2019. Đáng chú ý, kết thúc năm 2020 đã có 74.500 sản phẩm BĐS được giao dịch thành công, tương đương 50% năm 2019.
Lĩnh vực BĐS du lịch tuy bị ảnh hưởng, nhưng tốc độ phát triển mạnh. Hàng loạt dự án đô thị trên cả nước vẫn đang tiếp tục triển khai, được nhiều nhà đầu tư quan tâm như FLC Grand Quy Nhơn, Novaworld…
Năm 2021, thị trường BĐS có 6 xung lực chính: Sự chuyển đổi số mạnh mẽ; thu nhập của người dân ngày càng tăng; Luật Chứng khoán cho phép các quỹ đầu tư, tín thác BĐS hoạt động; sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng; nguồn vốn giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng; lãi suất vay mua nhà đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
Có một rủi ro cần cân nhắc là về tài chính. Năm 2020, thị trường chứng khoán có vẻ khởi sắc, nhưng cũng là lúc các chuyên gia nói đến “bom nợ”, sự khéo léo của nghệ thuật điều hành chính sách tiền tệ và ổn định nền kinh tế.
Các nhà đầu tư nên bám sát các chính sách vĩ mô của Nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ. Năm 2021 là năm có sự chuyển biến và mang ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt.
Cùng với đó, hàng loạt những doanh nghiệp BĐS lớn như Nam Long, Novaland, Vinaconex cũng đang tích cực chiến lược đi săn quỹ đất “làm của để dành” phát triển trong 5 năm tới. Cụ thể, Vinaconex đặt chiến lược phát triển quỹ đất 5.000ha cho giai đoạn 2021-2025. Nam Long dành mỗi năm hơn 2.000 tỷ để thực hiện M&A dự án mới. Còn Novaland tiếp tục mở rộng địa bàn thâu tóm quỹ đất tại các tỉnh lẻ.
Giải thích lý do các doanh nghiệp BĐS tăng tốc đầu tư, vạch ra kế hoạch lớn cho năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết năm 2020 đầy khó khăn nhưng những dấu hiệu lạc quan cuối năm mở ra nhiều triển vọng cho năm 2021. Theo dự báo của ông, kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch là 6%, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại.
Theo dự báo của ông Đính, giá BĐS năm 2021 có thể tăng 10% so với năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ hoặc giảm kích thích đầu tư mạnh hơn. Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục, cởi trói cho doanh nghiệp, vốn FDI đổ vào mạnh hơn. Song song đó, Covid-19 ập đến cũng sẽ mang lại yếu tố tích cực cho thị trường trong năm 2021 khi việc quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng đã rút ra kinh nghiệm để bản lĩnh hơn trong giai đoạn mới.
Liên tục tuyển dụng nhân sự
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã hoạt động mạnh trở lại, bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh sau dịch Covid-19, có kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho chiến lược lâu dài. Mặc dù thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã có những giải pháp tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI và xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
CTCP Bất động sản Asian Holding vừa phát đi thông báo tuyển dụng nhân sự tháng 1/2020, vị trí nhân viên kinh doanh với số lượng lên tới 200 người. Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết việc tuyển nhân sự số lượng lớn đến từ việc doanh nghiệp sẽ bán số lượng lớn sản phẩm tại các tỉnh như dự án FLC tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, dự án tại tỉnh Bình Phước, dự án tại tỉnh Đồng Nai…
Các công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh Corp như Hưng Thịnh Land, Propertyx… đều đang phát đi thông báo tuyển dụng số lượng hàng trăm nhân sự Sales ở các sàn giao dịch tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai…
Tập đoàn Novaland đưa ra thông báo “chiêu mộ” 500 nhân viên môi giới bất động sản bắt đầu từ tháng 1/2021. Phía Tập đoàn này cho biết việc tuyển số lượng lớn nhân viên môi giới trên vì hiện doanh nghiệp này đang triển khai mở bán các dự án lớn tại Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM. Với lượng sản phẩm lớn, nhu cầu nhân viên môi giới của Novaland hiện rất nhiều và đây là yếu tố quyết định cho việc bán được hàng hay không của Novaland.
Tập đoàn Trần Anh Group cũng ra thông báo tuyển dụng nhân viên môi giới bất động sản, doanh nghiệp này cho biết hiện đang chuẩn bị mở bán lượng lớn hàng tại Long An nên hơn 10 sàn giao dịch của tập đoàn cần một lượng lớn nhân sự môi giới để bán hàng.
Công ty DKRA Vietnam cũng thông báo tuyển dụng 100 nhân viên môi giới để bán sản phẩm tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp môi giới nhỏ cũng đã bắt đầu trở lại cuộc đua tuyển dụng nhân sự ngành môi giới. Công ty Tiến Lợi tại quận 2 thống báo tuyển dụng 100 nhân viên môi giới để bán dự án biệt thự tại dự án Vin quận 9, Công ty Hà Đô Land cũng tuyển dụng số lượng 50 nhân viên môi giới để bán dự án đất nền tại Bình Dương…. Trong khi đó, hầy hết các doanh nghiệp này trong năm 2020 phải đóng cửa công ty và cho nhân viên môi giới nghỉ việc vì không có hàng bán.
Từ cuối năm 2020 đến giai đoạn hiện tại, hầu như các doanh nghiệp bất động sản đang trên đà chuẩn bị tốt hành trang để bùng nỗi hơn trong năm 2021. Nhưng liệu những yếu tố thị trường có làm cho các doanh nghiệp vượt qua những thách thức trước mắt.