Dùng hệ số K để mở khóa “ẩn số” tiền sử dụng đất, trong khi đó hàng trăm dự án bị tắc sổ hồng do không tính được tiền sử dụng đất.
Tại một cuộc hội thảo mới đây bàn về cách vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, Chính phủ, các bộ, ngành đang rất quyết tâm gỡ khó cho thị trường bất động sản. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã họp cả ngày với các bộ, ngành và doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ.
“Chưa năm nào, Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn như trong những tháng đầu năm 2023. Ngay bản thân tôi, được giao nhiệm vụ vào làm việc với TP.HCM, cũng đã làm việc từ sáng sớm đến chiều tối để gỡ vướng cho từng trường hợp”, ông Nguyễn Mạnh Khởi nói.
Ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục dự án tại TP.HCM được gỡ vướng pháp lý và cho phép huy động vốn. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 13 dự án của nhiều doanh nghiệp như Novaland, Hưng Thịnh, Gotec Land, CapitaLand, Gamuda Land, Son Kim Land… được gỡ vướng pháp lý hoặc hỗ trợ cho phép huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.
Để đảm bảo việc giải quyết các vướng mắc đạt hiệu quả thiết thực, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, có ý kiến phản hồi, thống nhất với Sở Xây dựng, để Sở tổng hợp trình UBND thành phố trước ngày 30/5.
Đồng thời, các đơn vị, sở, ngành liên quan khẩn trương chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm chỉ đạo của UBND Thành phố liên quan đến các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đến thời điểm hiện nay. Trong đó, tập trung xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành.
Đối với những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố hoặc bộ, ngành Trung ương, thì khẩn trương báo cáo, tham mưu hướng giải quyết. Đồng thời lập kế hoạch, thường xuyên trao đổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản có dự án vướng mắc để hướng dẫn thực hiện.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh không giấu nổi niềm vui khi những “nút thắt” đang dần được tháo gỡ và cho hay, đã có nhiều tổ chức tín dụng bắt đầu làm việc với Tập đoàn và các chủ đầu tư khác để thảo luận hoạt động tái cấp vốn, tái khởi động dự án.
Song, để thúc đẩy nhu cầu mua bán bất động sản, vị lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị, những chính sách cần nhanh chóng được thực thi. Các cơ quan quản lý và ngân hàng vào cuộc ngay để kích thích nhu cầu, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần sớm giảm lãi suất để gỡ vướng tâm lý cho người mua.
“Đây là thời điểm thích hợp để người dân sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Trước hết, cần khuyến khích những dự án nhỏ, từ sự chuyển đổi cấp vi mô đến chuyển biến ở các dự án lớn hơn, từng bước phục hồi lĩnh vực xây dựng, mua bán bất động sản”, ông Dũng nói và cho biết thêm, để vực dậy ngành bất động sản, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có giải pháp kiểm soát các kênh đầu tư thứ cấp, đầu cơ thổi giá, kiểm soát cả việc mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Phương pháp áp dụng hệ số K vừa tránh được rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thi hành công vụ và người có liên quan, vừa đảm bảo cơ quan nhà nước có đầy đủ thẩm quyền để quyết định số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách nhà nước thông qua quyền quyết định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, hoặc khi thị trường có biến động và phù hợp với từng loại dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị.
Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, các chuyên gia cho rằng, nếu thị trường bất động sản được khơi thông, dòng tiền từ các nơi đổ vào bất động sản trên địa bàn càng nhiều, đầu tư nước ngoài và M&A (mua bán – sáp nhập) lĩnh vực bất động sản tăng, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế TP.HCM, tạo nên sức lan tỏa cho hàng chục ngành nghề khác.
Tổng Hợp
(ĐTCK)