Đô thị hóa và dân số đang tạo sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, giao thông. Trước tình hình này, TP.HCM đang nghiên cứu nhiều giải pháp như sắp xếp lại các quận huyện hoặc mở rộng.
Bên cạnh đô thị hóa, tốc độ tăng dân số của TP.HCM cũng rất cao. Tính đến đầu năm 2020, TP.HCM có 9 triệu người, nếu tính cả người nhập cư sẽ là 14 triệu người. Sở Quy hoạch – Kiến trúc dự kiến, đến năm 2030, dân số TP.HCM sẽ đạt mốc 24 – 25 triệu người. Đô thị hóa và dân số đang tạo sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, giao thông.
Nếu chỉ nhìn vào đề án, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ nhìn thấy một bức tranh khá lạc quan. Tuy nhiên, nếu nhìn vào điều kiện thực tế, đặc biệt là tình hình đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2015 -2020 vừa qua sẽ cho một cái nhìn khá bi quan.
Báo cáo chính thức cho HĐND TP về vấn đề đầu tư cho hạ tầng giao thông vào giữa năm 2020, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở GTVT TP cho biết, trong cả giai đoạn từ 2015 – 2020 vốn dành cho giao thông chỉ hơn 50.000 nghìn tỷ, trong đó vốn dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm đến 50%.
Nguồn vốn đầu tư cho công trình kết cấu hạ tầng giao thông của TP chỉ bằng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của TP Hải Phòng, trong khi đó chiều dài các tuyến giao thông của TP gấp 10 lần so với Hải Phòng, dân số gấp khoảng 5 lần.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của TP.HCM đạt khoảng 80% – 90%. Nhiều khu vực, có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, như Nhà Bè, hiện chỉ còn 3% đất nông nghiệp, và 5 năm nữa là 0,1%. Với tốc độ tăng trưởng hơn 12%, Nhà Bè hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, sẵn sàng lên quận vào năm 2025.
Để giải quyết bài toán vốn, Sở GTVT đã kiến nghị TP, ưu tiên bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, ngành giao thông tập trung triển khai các công trình trọng điểm trong năm 2021 và giai đoạn trung hạn 2021-2025 theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2021, cần ưu tiên bố trí vốn để sớm tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (lập đề xuất chủ trương đầu tư và lập dự án đầu tư) các dự án trọng điểm, cấp bách như: cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, nút giao thông An Phú; Vành đai 2 (đoạn 1, 2 và 4); Quốc lộ 1, 13, 22, 50,…; đường trên cao số 1, 5…
Theo đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030” (đã được UBND TP phê duyệt trong tháng 1/2021), gồm 639km đường bộ; 78 dự án cầu; 18 dự án nút giao thông; 32 dự án giao thông tĩnh; 5 dự án thuộc Chương trình đô thị thông minh; 211,9km đường sắt đô thị, BRT; 379km đường thủy nội địa.
Tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 952.547 tỉ đồng (gấp gần 20 lần so với tổng kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2015 – 2020). Kinh phí đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP là 457.704 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn khác.
Hoàn thành 45 gói thầu, dự án, tiêu biểu như nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen, quận Bình Tân; Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 09 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Mở rộng đường Đồng Văn Cống (Quận 2); Sửa chữa và nâng cấp đường Tỉnh lộ 9; Nâng cấp mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước đường Hương Lộ 11 Bình Chánh, Xây dựng cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp); Xây dựng các cầu Rạch Kinh, Cây Da, Chuối Nước (trên địa bàn huyện Củ Chi)…
Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm như xây dựng hầm chui An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn), mở rộng đường Tô Ký (huyện Hóc Môn), xây cầu tạm An Phú Đông (nối quận 12 và quận Gò Vấp), cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè)…
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM – cho biết năm 2021 sẽ cố gắng hoàn thành và đưa vào sử dụng 45 dự án, gói thầu như: Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); nhánh hầm HC2 thuộc dự án nút giao đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7),…
Trong 10 năm tới, dự kiến TP Hồ Chí Minh cần 925.547 tỷ đồng để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng các công trình xây dựng hạ tầng giao thông cần triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025 đã có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 83.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, hàng loạt các công trình giao thông đã không thể hoàn thành do thiếu vốn.