Theo lộ trình đến hết năm 2019, các ngân hàng phải tất toán khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều ngân hàng chưa tất toán hết trái phiếu VAMC, nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn sau khi thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập.
Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, NHNN đã chỉ đạo VAMC tiếp tục tăng cường phối hợp với các TCTD rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định các biện pháp xử lý, đồng thời tìm kiếm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 31/8/2020, VAMC đã thực hiện đấu giá thành công nhiều khoản nợ và tài sản đảm bảo với tổng số tiền trúng đấu giá 1.371 tỷ đồng.
Đến nay đã có một số ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC, như Agribank, SeaBank, VPBank, Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank… Đặc biệt, Ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam ( MSB ) vừa thông báo, tính đến ngày 30/9/2020, Ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu đã phát hành, và trở thành thành viên tiếp theo trong hệ thống các ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC.
Nhiều ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB hay ngay cả như những ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank cũng cần thời gian để có thể xử lý dần dần khối nợ xấu này.
Là một trong những ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu VAMC không nhỏ (sau sáp nhập thêm Southerbank, Sacombank bán lượng lớn nợ xấu cho VAMC), trong những năm qua, Sacombank đã không ngừng đẩy mạnh xử lý nợ xấu với khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động xử lý nợ của Sacombank đang chậm lại so với năm ngoái.
Trong năm 2019, Sacombank đã xử lý được hơn 6.586 tỷ đồng trái phiếu VAMC, chưa kể các khoản dự phòng với giá trị ghi nhận cuối kỳ đạt hơn 3.936 tỷ đồng.
Mặc dù không thuyết minh cụ thể số nợ xấu tại VAMC, nhưng số nợ xấu này thường được trình bày ở khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.
Khoản mục này hiện là hơn 30.000 tỷ đồng, song đã phần nào giảm nhiều so với trước. Trước đó, cuối tháng 6/2019, số trái phiếu đặc biệt VAMC mà Sacombank còn nắm giữ là 35.515 tỷ đồng.
Trong báo cáo công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, kế hoạch trước Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) dự kiến tháng 6/2020 của Sacombank là sẽ xử lý 12.000-15.000 tỷ đồng nợ tồn đọng trong năm 2020, không tính việc thanh lý quỹ đất Phong Phú.
Công ty phân tích giữ nguyên giả định quỹ đất tại Phong Phú sẽ sớm được thanh lý trong năm 2020, các khoản nợ gốc ở Cần Đước sẽ được thu hồi trong năm 2021 thì Sacombank sẽ “sạch” nợ tại VAMC vào cuối năm 2022.
Tại SCB, tới ngày 31/12/2019, ngân hàng này nắm giữ gần 31.747 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tăng 19% so với đầu năm.
Trong đó, dự phòng trái phiếu chiếm gần 6.903 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, theo SCB, các khoản nợ xấu Ngân hàng bán cho VAMC đều có tài sản đảm bảo là bất động sản và có tính thanh khoản cao.
SCB vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, SCB sẽ tập trung nguồn lực để cơ cấu lại hoạt động tín dụng và nâng cao năng lực tài chính.
Tại Eximbank, lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.300 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng đã trích dự phòng được 2.100 tỷ đồng. Theo dự kiến, vào tháng 6/2020, Eximbank sẽ hoàn tất việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.
Việc tất toán nợ xấu hàng loạt nhanh chóng để đưa các ngân hàng vào trạng thái bình thường và chuyển đổi lên sàn chính khoán theo luật mới.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo tình hình nợ xấu của các ngân hàng còn diễn biến phức tạp, nhất là khi dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
Cương Nguyễn
( Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới