Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng diễn ra chiều 25/4, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã yêu cầu một số ngân hàng giải trình về việc lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Hàng loạt giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn…
Lãnh đạo NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải xem xét, cân nhắc lại về mức lãi suất của mình. Đồng thời, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, nhất là bộ phận giám sát cần phải theo dõi vì sao các ngân hàng phải giữ mức lãi suất cho vay cao như vậy trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp đang khó khăn.
“Các ngân hàng phải tính toán lại, không chỉ cho vay cao để lấy lợi nhuận. Các ngân hàng cũng phải dùng nhiều biện pháp để tăng cường nguồn lực, tăng vốn,… Đối với những ngân hàng có mức lãi suất cho vay cao, cơ quan thanh tra phải đưa ra cảnh báo cho các ngân hàng biết và tự đánh giá”, Phó Thống đốc chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, trong 3 tháng đầu năm, NHNN đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành . Động thái này sẽ có tác động trực tiếp đến nền kinh tế, bởi giảm lãi suất tiền gửi sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Ngay đối với lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng cũng đã và đang điều chỉnh giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, mới đây NHNN đã đưa ra chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn. Đây là chính sách rất mạnh vì thường chỉ áp dụng cho giai đoạn kinh tế gặp khó khăn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và gần nhất được thực hiện khi đại dịch COVID-19.
“Việc gia hạn nợ nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp bất động sản có thời gian trả nợ và vẫn được vay vốn như thông thường. Việc thẩm định, cơ cấu lại nợ do chính ngân hàng quyết định nên vẫn có sự thuận lợi, đi vào thực tiễn cuộc sống ngay”, ông Lệnh nói.
Đặc biệt, NHNN cũng vừa có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, đối với các dự án có đầy đủ pháp lý thì đảm bảo vốn vay khi doanh nghiệp có nhu cầu. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chủ động phân loại doanh nghiệp, dự án theo từng phân khúc để từ đó có giải pháp cho vay.
Ông Lệnh đánh giá, các giải pháp chính sách nêu trên sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cũng đang thực hiện triển khai gói cho vay 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ động của mình để cho vay.
“Gói tín dụng này bằng nguồn vốn của các ngân hàng nên có thể nói đây là một mức lãi suất khá mềm cho kỳ hạn vay trung dài hạn. Nhưng nếu so với lãi suất 5% của Ngân hàng Chính sách xã hội thì vẫn cao. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người dân một cách thực chất thì phải có giải pháp tổng thể như phải có chính sách bù lãi suất. Nhưng mấu chốt vẫn là phải có nguồn cung, phải có dự án thì ngân hàng mới có thể cho vay theo gói 120.000 tỷ được”, vị này cho hay.
Ngày 23/4 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Thông tư này được đánh giá đã đáp ứng được kỳ vọng bấy lâu nay của các khách hàng của các tổ chức tín dụng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và người mua nhà nếu hội tụ đầy đủ các điều kiện theo quy định của Thông tư thì được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Cùng ngày, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp kể từ ngày 24/4.
Thông tư nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay.
Nhóm phân tích chứng khoán SSI cho rằng, cùng với Dự thảo sửa đổi Thông tư 41, tất cả những động thái này là nỗ lực của NHNN để gỡ rối cho các vấn đề của thị trường bất động sản trong khi chờ đợi việc sửa đổi khung pháp lý trong ngành bất động sản thông qua việc ban hành các Luật liên quan.
Với hai thông tư này, các ngân hàng hiện được cung cấp các công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay bất động sản.
Trong khi đó, người đi vay có thể có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị trả nợ cho các khoản vay sắp tới. Do đó, đây là tin tức hỗ trợ cho một số đối tượng tham gia thị trường, bao gồm cả ngân hàng và người đi vay, mặc dù việc áp dụng sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Với Thông tư 02, SSI Research kỳ vọng các khoản vay của một số doanh nghiệp địa ốc nhất định có thể được xem xét để tái cơ cấu họ có những dự án dở dang nhưng có pháp lý đầy đủ. Một số khoản vay mua nhà cũng có thể được cân nhắc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng các nút thắt pháp lý trong ngành bất động sản vẫn là trở ngại chính đối với tình hình thị trường hiện tại và không thể giải quyết chỉ thông qua Thông tư 02. Trong khi đó, Thông tư 03 chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề có thể phát sinh từ các trái chủ nhỏ lẻ hoặc để giải quyết vấn đề liên quan đến việc phân phối trái phiếu qua kênh ngân hàng.
Tổng Hợp
(Vietnambiz)