Nhiều dự án chưa đủ điều mở bán nhưng lại nhận đặt tiền cọc của khách hàng. Việc huy động vốn này thường núp dưới dạng “hợp đồng đặt cọc giữ chỗ”, “hợp đồng góp vốn”, “đặt cọc ưu tiên”… có khi lên đến 20-30% giá trị căn hộ.
Trên thực tế, không ít trường hợp chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch TPHCM vừa chỉ đạo thanh tra kiểm tra đột xuất việc dự án bất động sản lách luật, huy động vốn trái phép để đảm bảo quyền lợi khách hàng. Chỉ đạo này nhằm thực hiện những giải pháp giải quyết những bất cập trong giao dịch bất động sản, chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn TPHCM.
TPHCM yêu cầu Sở Công thương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư để kịp thời xử lý theo quy định.
Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng mua bán nhà ở, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo quy định, các căn hộ hình thành trong tương lai trước khi đưa ra giao dịch phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định, như dự án phải hoàn thành xong phần móng, có văn bản cho phép mở bán từ Sở Xây dựng…
Tuy vậy, nhiều chủ đầu tư và đơn vị môi giới bất động sản vẫn tìm cách huy động vốn từ khách hàng ngay cả khi dự án chưa có giấy phép xây dựng.
Như một dự án tại quận 8 với tên gọi là D-Aqua đang được quảng cáo tràn lan trên internet. Dự án này thực tế đang là khu đất chưa giải phóng mặt bằng tại số 301 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8 được Công ty TNHH MTV Cảng sông TPHCM bán đấu giá cho bà Đàm Kim Phụng thông qua thẩm định giá từ Sở Tài chính.
Dự án D-Aqua, được chủ đầu tư làm nhà mẫu, môi giới tham gia tư vấn nhận tiền đặt chỗ từ khách hàng nhưng UBND TPHCM chưa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 phường 14, quận 8 trong đó có khu đất dự án D-Aqua.
Điển hình, một dự án tại quận 6, TPHCM được giới thiệu do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bất động sản Minh Anh làm chủ đầu tư, có tên gọi là D-Homme hiện chỉ mới đang được Sở Xây dựng TPHCM trình UBND TP HCM xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Tuy vậy, gần như chủ đầu tư không công bố những thông tin về pháp lý dự án, lại đưa ra một dạng hợp đồng “thoả thuận quyền chọn” rồi thu tiền từ khách hàng.
Hay dự án Ascent Plaza (375 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) đã rao bán căn hộ vào năm 2019 với mức giá khoảng 37 triệu đồng/m2, trong khi chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay hàng loạt người dân bị mắc kẹt tại dự án này vì dự án chưa có giấy phép xây dựng. Trong khi chủ đầu tư cũng chưa thể cung cấp thời điểm chính xác dự án sẽ tiếp tục triển khai.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì pháp luật nghiêm cấm các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh.
Ông Lê Hòa Bình yêu cầu Sở Công Thương TPHCM tiếp tục tổ chức triển khai đến các chủ đầu tư dự án nhà ở, đảm bảo thực hiện theo quy định về mẫu các loại hợp đồng đã được quy định cụ thể theo Nghị định 76/2015 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản.
Tất cả chủ đầu tư có trách nhiệm phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu quy định (đảm bảo về hình thức, nội dung và thủ tục đăng ký hợp đồng).
Đặc biệt, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu, Sở Công thương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với các trường hợp báo chí hoặc người dân phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định.
Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng mua bán nhà ở (người tiêu dùng), tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Được biết, chỉ đạo này của lãnh đạo UBND TP.HCM được thực hiện theo đề nghị của Sở Tư pháp, Sở Xây dựng nhằm chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố.