Kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán gần đây không chỉ nhằm bổ sung vốn cho nghiệp vụ cho vay như trước kia.
Trong giai đoạn thị trường chứng khoán trầm lắng, thanh khoản cạn kiệt như hiện tại, phương án phát hành gọi vốn mới từ cổ đông hiện hữu khó khả thi. Thủ tục xin phát hành tăng vốn cũng rất phức tạp. Vì thế, phần lớn các công ty chứng khoán chọn phương án phát hành riêng lẻ hay phát hành cổ phiếu để trả cổ tức để tăng vốn.
Với các công ty chứng khoán, việc nâng cao nguồn lực tài chính luôn là nhu cầu thường trực, để mở rộng nguồn thu từ nghiệp vụ lõi như cho vay ký quỹ, tự doanh. Theo quy định hiện hành, dư nợ cho vay margin tối đa với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu, hay dư nợ một mã cổ phiếu không được quá 10% vốn chủ sở hữu của một công ty chứng khoán, nên việc trường vốn sẽ giúp các công ty chứng khoán dễ phục vụ khách hàng lớn.
Tuy vậy, nhìn nhận về làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán hiện nay, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, cũng có những công ty không đơn thuần nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay, đầu tư cổ phiếu, mà còn để giải quyết các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Theo quy định, tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán. Điều này buộc các công ty chứng khoán cần nâng vốn để “đủ size” thực hiện nghiệp vụ đầu tư trái phiếu… Thực tế cho thấy, các công ty chứng khoán đang “ôm” một nguồn lớn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là tại một số công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng.
Mới đây, đại hội cổ đông Công ty Chứng khoán Nhất Việt (mã VFS) đã thông qua kế hoạch tăng vốn gấp 3 lần, lên 2.400 tỷ đồng, qua hai hình thức: chào bán riêng lẻ và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1. Nguồn vốn tăng thêm dự kiến phục vụ cho hoạt động tự doanh chứng khoán và cho vay ký quỹ.
Chứng khoán Tiên Phong – TPS (mã ORS) cũng lên phương án phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng thông qua 2 phương án: Thứ nhất, phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 hoặc 2:1. Giá phát hành dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thứ hai là chào bán riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu, giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc quý I/2024.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kafi cho biết, năm nay, Công ty sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng thông qua phương thức phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu trong 2 đợt phát hành.
Năm 2023, năm thứ 2 của giai đoạn chuyển đổi chiến lược 2022 – 2025, Chứng khoán Kafi xác định tập trung vào hai mảng kinh doanh chiến lược: tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, bao gồm phát triển đầu tư tích lũy và đầu tư và giao dịch giấy tờ có giá. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản đạt mức 4.160 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 6 lần và 2 lần so với năm trước.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã VCI) đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỷ lệ 30%, để nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cổ phiếu (trong khi giá đóng cửa phiên 4/5/2023 là 32.500 đồng/cổ phiếu).
Tương tự, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.806 tỷ đồng lên 4.377 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức (tỷ lệ 12%) và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 3%). Hay Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự kiến phát hành gần 15 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng, trong đó 9,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 5% và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3%.
Các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn trong giai đoạn thị trường chứng khoán sôi động những năm 2020, 2021 và sức nóng đó đang được duy trì. Cuối năm 2022, Chứng khoán VPBank gây chú ý trên thị trường với việc nâng vốn điều lệ từ 8.920 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng và lọt nhóm công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong ngành.
Trong lộ trình chiến lược 5 năm 2021 – 2025, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) – Techcombank nắm 100% vốn – cho biết sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng và việc tăng vốn được Công ty dự kiến thực hiện trong năm 2023. Nếu kế hoạch này thành công, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của TCBS sẽ đạt trên 21.000 tỷ đồng.
Mùa đại hội cổ đông năm nay, hàng loạt công ty chứng khoán trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ với mức tăng rất lớn.
Tổng Hợp
(ĐTCK)