COVID-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn tại các thành phố lớn càng khiến lãnh đạo các hãng hàng không lo lắng bởi dịp cao điểm vận chuyển hè 2021 đang đến rất gần.
Dù lượng khách nội địa trong tháng 4/2021 tăng tới 29% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng do phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá, nên lợi nhuận thực thu của các hãng bay là rất mỏng, không đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra trong cả quý I/2021. Đó là chưa kể, do chưa được khai thác các đường bay thương mại quốc tế, nên hầu hết các hãng hàng không tiếp tục phải cho “nằm đất” nhiều tàu bay hiện đại, trong khi vẫn đều đặn trả chi phí thuê mua tàu bay. Bên cạnh đó, dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí, nhưng nhiều hãng hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn. Để tồn tại, họ phải dựa vào các khoản vay thương mại, hỗ trợ của Nhà nước hoặc phải tự bù đắp bằng lợi nhuận từ nghiệp vụ bán và thuê lại tàu bay. Điều này có thể để lại những di chứng tài chính trong dài hạn.
Có thể thấy tác động rõ rệt nhất khi nhìn vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ trước thuế kỷ lục hơn 4.900 tỷ đồng. Doanh thu đạt 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Hai tháng đầu năm ngoái, thị trường hàng không chưa bị ảnh hưởng vì tác động của của đại dịch, bao gồm cả việc vẫn khai thác đường bay quốc tế. Vietnam Airlines hiện đang lâm vào tình trạng đáng báo động, lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 ghi nhận âm 14.219 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ – tức đứng trước nguy cơ hủy niêm yết nếu không sớm được khắc phục. Hãng hàng không quốc gia đang có kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng ngay trong quý 2 này.
Đối với CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) doanh thu thuần đạt gần 4.050 tỷ đồng, giảm 44%. Nhưng Vietjet Air có lãi trước thuế 115 tỷ đồng nhờ doanh thu hoạt động tài chính gần 1.400 tỷ đồng (không được thuyết minh rõ). Lượng khách bay giảm mạnh cũng khiến một ông lớn khác “nếm mùi”. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chứng kiến doanh thu giảm 48% so với cùng kỳ. Doanh thu cả dịch vụ hàng không và phi hàng không giảm từ 40 – 50%.
Cho dù không lớn như các đợt xuân vận, nhưng tại Việt Nam, đợt cao điểm vận chuyển hè kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 9 thường đem lại 30 – 35% doanh thu cho doanh nghiệp vận tải hàng không. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp vận tải hành khách lúc này là COVID-19 được khống chế càng sớm càng tốt. Với vận tải hàng không, đường sắt, nếu mất nốt đợt vận chuyển cao điểm hè 2021 do dịch bệnh thì đó sẽ là một thảm họa, khiến không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, không thể gượng dậy.
Ngoài việc mất một lượng lớn doanh thu, lợi nhuận, các doanh nghiệp hàng không còn đứng trước nguy cơ cạn kiệt dòng tiền do phải thực hiện việc hoàn trả vé không sử dụng cho khách. Với các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng đường hàng không – đối tượng bị tổn thương nặng nề trong suốt năm 2020 bởi COVID-19, đây thực sự là đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính. Nhiều khoản lỗ lớn chắc chắn sẽ tiếp tục được ghi nhận trong các báo cáo tài chính quý II, quý III/2021, đẩy các doanh nghiệp vào nguy cơ không thể giữ được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không do âm cả vốn chủ sở hữu. Đó là chưa kể đời sống, việc làm của hàng vạn lao động trong lĩnh vực này ngày càng chông chênh.
CTCP Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) lợi nhuận giảm 55% còn 42 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn ASG (ASG) lợi nhuận giảm 35% còn 17 tỷ đồng; CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) lợi nhuận giảm 27% còn 13 tỷ đồng. Nhiều công ty dịch vụ báo lỗ, có thể kể đến như CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) lỗ 32 tỷ đồng; CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) lỗ 19 tỷ đồng; hay CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) lỗ 14 tỷ đồng. Tại CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), lợi nhuận đạt 64 tỷ đồng, giảm 2%, trong nhóm ít bị ảnh hưởng nhất ngành hàng không. Hoạt động chính của công ty này là kinh doanh dịch vụ hàng hóa bằng đường hàng không, do đó không chịu tác động nặng giống như vận tải hành khách. Năm 2020, NCT ghi nhận lợi nhuận trước thuế 257 tỷ đồng, chỉ giảm 7%.
Vào lúc này, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp là chưa đủ. Họ đang cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến sinh tồn dự báo ngày một khắc nghiệt, chưa biết khi nào kết thúc. Đây là thực tế cần phải đối diện và có giải pháp xử lý sớm. không cần đợi doanh nghiệp vận tải hàng không kêu cứu, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét ngay việc kéo dài những khoản hỗ trợ đã được thực hiện khá có hiệu quả trong năm 2020. Quan trọng hơn, Chính phủ cần cân nhắc sớm việc hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp hàng không thông qua các khoản vay ưu đãi, nhất là khi sức chịu đựng của nhiều đơn vị đã chạm giới hạn cuối cùng.
Mấy ngày gần đây, tất cả các hãng hàng không đều ghi nhận tình trạng khách hủy chuyến tăng cao bất thường, trong đó có những chuyến bay trên trục Bắc – Nam chỉ đạt khoảng 50 – 60% lượng khách lấp đầy, dù bay vào giờ đẹp. Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang trở lại cảnh thưa vắng khách sau chuỗi ngày ngắn ngủi nhộn nhịp.
Nhật Hạ