Công ty Cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh vào tháng 3, do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. IPP Air Cargo đăng ký giấy phép kinh doanh với ngành nghề chính là vận tải hàng hóa hàng không trong phạm vi nội địa và quốc tế vừa bị Cục hàng không ra văn bản từ chối thành lập mới.
Thông tin của Cục Hàng không Việt Nam ngày 13/7, Cục này vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đề xuất lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của ông Jonathan Hạnh Nguyễn. Cục này đề xuất chưa phê chuẩn đề nghị lập hãng bay trên.
Nội dung trong văn bản do ông Đinh Việt Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – vừa ký gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), về đề xuất xin lập dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo của “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 89 của Thủ tướng Chính phủ, xem xét cho phép (hoặc không cho phép) Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho người đề nghị cấp giấy phép. Cục này cho rằng, căn cứ trên ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại công văn số 5833 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới thì việc xem xét, phê duyệt chỉ được cân nhắc sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).
Công ty Cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh vào tháng 3, do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng Giám đốc và cũng là người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Thủy Tiên – vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), tập đoàn kinh doanh bán lẻ chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế. IPP Air Cargo đăng ký giấy phép kinh doanh với ngành nghề chính là vận tải hàng hóa hàng không trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Khi nộp hồ sơ dự án, ông Johnathan Hạnh Nguyễn hy vọng được phê duyệt đầu tư và nhận giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III năm nay, lấy chứng chỉ nhà khai thác tàu bay vào quý IV và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào quý II/2022. Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, hãng sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba.
Việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cục này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh và báo cáo Bộ GTVT về khả năng thành lập hãng hàng không mới cho giai đoạn sau năm 2022, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. “Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam đều đang triển khai thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19”, văn bản của Cục Hàng không nêu.
Các hãng hàng không đã hoán đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines 5 tàu bay (gồm 2 tàu A321 và 3 tàu A350) và Vietjet 4 tàu bay A321. Ngoài ra, một số tàu bay khác cũng được chở hàng trên khoang hành khách (chưa tháo ghế) với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay. Tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng gấp 3 lần so với trước dịch (tính trong giai đoạn 1 năm).
Cương Nguyễn