Trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà đất, hành vi kê khai sai giá trị giao dịch nhằm giảm số thuế phải nộp diễn ra khá phổ biến.
Theo quy định pháp luật về thuế, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế đối với những trường hợp kê khai, nộp thuế không đúng với giá trị chuyển nhượng tài sản thực tế. Tuy nhiên, cơ quan thuế lại không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, tình trạng người dân kê khai sai giá chuyển nhượng nhà đất nhằm giảm số thuế phải nộp diễn ra khá phổ biến, cho dù biết đây là hành vi vi phạm pháp luật. Để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp các cục thuế xử lý nghiêm giao dịch có dấu hiệu trốn thuế.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cục thuế yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản… kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Sau những động thái quyết liệt đó, tình trạng khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn thực tế đã phần nào thuyên giảm ở một số địa phương vốn được xem là “điểm nóng”. Báo cáo mới đây của Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong năm 2021, có hơn 13.100 hồ sơ bị yêu cầu kê khai lại giá chuyển nhượng, nhờ đó tăng thu cho ngân sách 176 tỷ đồng.
Ông Thái Minh Giao, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, để đánh giá việc kê khai giao dịch có phù hợp hay không, cơ quan thuế phải tham khảo nhiều nguồn dữ liệu như giá bán của bất động sản đó ở thời gian gần nhất, hồ sơ bất động sản tại cơ quan thuế có vị trí tương đồng cùng địa bàn, khu vực. Đối với tài sản là bất động sản và nhà chung cư, trong quá trình giải quyết hồ sơ, cơ quan thuế có thể thu thập giá giao dịch tại các sàn giao dịch bất động sản, cũng như giá bán của chủ đầu tư để làm cơ sở so sánh với giá kê khai. Đây đều là nguồn thông tin đáng tin cậy để cơ quan thuế đấu tranh với những hành vi cố tình khai sai số tiền thuế phải nộp.
Tương tự, tại Long An, từ đầu năm 2022 đến nay, các chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế Long An đã hoàn trả lại gần 500 hồ sơ nhà đất để điều chỉnh giá đúng với giao dịch thực, qua đó giúp ngân sách địa phương tăng thu hơn 2,1 tỷ đồng.
Để ngăn chặn tình trạng khai gian trốn thuế, Cục Thuế Long An yêu cầu các chi cục thuế khi tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra lịch sử chuyển nhượng tại thửa đất trong hồ sơ, đối chiếu, so sánh với các hồ sơ khác tại các thửa liền kề hoặc thửa có điều kiện tương tự… để xác định tương đối giá đất giao dịch thực tế, nhất là với những thửa đất có vị trí đắc địa.
Lãnh đạo Cục Thuế Long An cho rằng, những hồ sơ có dấu hiệu đáng nghi cần được kiểm tra nhằm đảm bảo quyền lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp. Đến thời điểm này, các hồ sơ sai phạm cũng chưa bị phạt hành chính hay chuyển hồ sơ sang cơ quan khác có thẩm quyền điều tra do hầu hết người dân đã khai nhận và điều chỉnh các hồ sơ bị trả lại. Một động thái khác là Long An đã chuyển sang hình thức thanh toán hóa đơn điện tử từ ngày 1/4/2022 nhằm chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản, thương mại và điện tử.
Tương tự, Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ sơ nhà đất bị hoàn trả lại do khai giá trị giao dịch không đúng thực tế. Tính từ cuối tháng 2 đến nửa đầu tháng 3/2022 , có hơn 1.200 hồ sơ chuyển nhượng, mua bán bất động sản bị hoàn trả vì nghi ngờ kê khai thấp hơn nhiều so với giá trị giao dịch thực. Trong số này, có 155 hồ sơ kê khai, điều chỉnh bổ sung và nộp lại cơ quan thuế.
Những hồ sơ nộp lại, khai lại giá trị chuyển nhượng hầu hết đều có giá trị tăng từ 2-5 lần so với hồ sơ khai lần đầu, cá biệt có những trường hợp tăng đến 20 lần. Theo Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu, sau thời gian “siết” lại việc kê khai giao dịch bất động sản, cơ quan này đã thu thêm được 3 tỷ đồng tiền thuế.
Tổng Hợp