Theo giới phân tích, NHNN đang đặt mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với nhu cầu tín dụng để có thể tạo room cấp thêm tín dụng tùy tình hình biến động của kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hạn mức tín dụng thấp được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy giảm
Tại Hội nghị trực tuyến mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong năm nay dự kiến tín dụng toàn ngành sẽ tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỉ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng, tương đương với mức tăng khoảng 11-14%.
Theo số liệu từ CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), năm 2020, NHNN đã đưa ra mức cấp tín dụng cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng ở mức ước tính 10,1%, thấp hơn nhiều so với mức 13% đầu năm đặt ra do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Các chuyên gia phân tích nhận định NHNN đặt mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với nhu cầu tín dụng nhằm tạo room cấp thêm tín dụng tùy tình hình biến động của kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, việc được giao một hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn sẽ giúp hướng tín dụng vào những lĩnh vực an toàn hơn, tránh nguy cơ các ngân hàng đẩy cho vay vào các phân khúc rủi ro cao và giảm mức độ cạnh tranh về huy động tiền gửi, nhờ đó giảm lãi suất huy động và tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Việc giảm lãi suất đầu vào sẽ giúp phần nào bù đắp cho các ngân hàng khi phải hạ lãi suất đầu ra.
Với kịch bản cơ sở rằng dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong quí II và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ quí III – cũng là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng, nhiều khả năng NHNN có thể nới thêm 2-3 điểm phần trăm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được dự báo sẽ khá yếu và phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng khởi động lại của nền kinh tế sau khi dịch kết thúc.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng
Bên cạnh hạn mức tín dụng mà NHNN đưa ra, một số ngân hàng cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho riêng mình.
Cụ thể, VietinBank đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khiêm tốn trong năm nay từ 4-8,5% tùy theo tình hình diễn biến của dịch (năm ngoái đạt mức 7,3%), tức cũng có thể cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của năm 2019 nếu cho vay hồi phục và được tăng vốn kịp thời.
Còn tại Techcombank, ngân hàng này đã đạt tăng trưởng tín dụng cao ở mức 17% trong năm 2019, nhưng hạn mức ban đầu được cấp cho năm 2020 chỉ ở mức 13% (dù đây đã là mức cao nhất được cấp cho các ngân hàng tại thời điểm này).
Theo các công ty chứng khoán, mức độ tăng trưởng tín dụng thực tế sẽ bị giới hạn bởi định hướng tín dụng của NHNN bởi Techcombank nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh tín dụng để sử dụng hết hạn mức được giao.
Với kịch bản là dịch sẽ được kiểm soát trong quí II, NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, với trường hợp của Techcombank có thể lên mức 15-16% và sẽ sử dụng hết hạn mức này.
Trong khi đó, năm 2020, SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 13,6%. Đồng thời lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỉ đồng, tăng 8,3% so với năm trước.
Còn tại Eximbank, ngân hàng cho biết kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 9% theo hạn mức tăng trưởng do NHNN thông báo. Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, Eximbank sẽ xin phép NHNN xem xét điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên ngân hàng cũng có thể sẽ điều chỉnh toàn bộ kế hoạch tùy thuộc vào tình hình dịch COVID-19.
Theo ghi nhận từ CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), trong quí I, tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại ba ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV) cũng như các ngân hàng thương mại như MB và ACB.
Trong khi đó, VPBank, HDBank và TPBank lại ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao: khoảng 4,8% tính đến hết tháng 2/2020 đối với VPBank, 5% tính đến hết tháng 2/2020 đối với HDBank và 9% tính đến hết tháng 3/2020 đối với TPBank.
Lí giải về nguyên nhân ba ngân hàng trên vẫn có được mức tăng trưởng tín dụng tốt, SSI Research cho rằng VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp.
Còn đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao là nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp, đã được kí trước đó vào cuối năm 2019.
Thu Hoài
Theo Kinh tế & Tiêu dùng