Ngân hàng là một lĩnh vực đầy bí hiểm, nhưng không kém phần đam mê bởi nó mang lại quá nhiều lợi ích cho quốc gia. Hạn chế hay chấm dứt sở hữu chéo nhà băng quá đặc biệt…
Một mặt, nhà băng quá đặc biệt đến mức, luật ngân hàng nhiều nước tạo ra một mạng lưới an toàn để nó không thất bại. Nhưng mặt khác, nó cũng cực kỳ mong manh vì sử dụng quá ít vốn chủ sở hữu, khiến các chủ nhà băng luôn có tâm lý kinh doanh liều lĩnh với cái giá phải trả của toàn xã hội. Điều này đặt ra sự cân bằng tế nhị.
Tiếp tục bàn về các nội dung của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, trong số báo này, Báo Đầu tư trao đổi với GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) về vấn đề sở hữu chéo tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Một mặt, luật cần thiết kế các quy định sao cho nhà băng phát triển ổn định, an toàn, nếu có thất bại thì cũng “thất bại trong an toàn” hoặc “thất bại thành công” (không tốn tiền ngân sách giải cứu). Mặt khác, phải làm sao cho chủ nhà băng luôn cảm thấy sẽ bị mất mát quá lớn nếu chỉ thuần tuý chạy theo rủi ro.
Đây thực sự là tin rất vui và đáng lý phải đến sớm hơn. Trước hết, chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng, giải quyết sở hữu chéo cần phải đặt trong khuôn khổ tổng thể các quy định để hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả và cạnh tranh.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đề cập khá nhiều thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giám sát các ngân hàng để ngăn sở hữu chéo, thao túng nhà băng. Tuy nhiên, không biết vô tình hay hữu ý, cứ thể như mọi căn nguyên vấn đề nằm ở chỗ tỷ lệ sở hữu cá nhân và người có liên quan nắm giữ cổ phần hiện nay quá cao, chỉ cần giảm mạnh chúng xuống sẽ giải quyết được vấn đề.
Sự nhận diện không xác đáng này có thể khiến không ai thấy “con voi trong phòng”, đã làm lệch hướng trọng tâm bức xúc của dư luận hàng thập kỷ nay, rằng tại sao đã có biết bao nhiêu thông tư, nghị định và đoàn giám sát của NHNN và bộ, ngành có liên quan, mà con bệnh vẫn ngày càng nặng thêm. Ngân hàng SCB là một ví dụ điển hình và có thể chỉ là bề nổi của tảng băng.
Vì thế, theo tôi, câu hỏi đúng phải là làm sao kích thích đồng thời cả hai yếu tố trên. Nhà băng phải trở thành nơi phát triển lành mạnh, đầy đam mê cho những ai muốn phụng sự cho một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời, các nhà băng cần được thiết kế sao cho thất bại trong an toàn, nếu nó quá tệ đến mức gây hại cho toàn hệ thống thì đành phá sản.
Lâu nay, chúng ta hay dị ứng khi bàn về Luật Phá sản ngân hàng. Nhưng nếu tuyên truyền đúng để người dân hiểu rằng, Luật Phá sản ngân hàng là để cho nhà băng không phá sản hay “phá sản thành công”, thì dễ nhận được sự đồng thuận. Mọi thứ nằm trong câu từ. Nếu phá sản là từ nhạy cảm, chúng ta có thể gọi dưới một cái tên khác như luật hay các nghị quyết của Quốc hội về “xử lý” nhà băng (đã đề cập trong bài trước). Đứng ở góc độ này, để chấm dứt sở hữu chéo, các quy định tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng là chưa đủ.
Đây là vấn đề phức tạp, đến mức thật thiếu khiêm tốn để khẳng định đâu là giải pháp tối ưu. Một số quy định về cơ chế giám sát, can thiệp sớm và thẩm quyền của các cơ quan quản lý như NHNN, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu và của các chuyên gia cần được cân nhắc trong một khung khổ phù hợp.
Quan trọng nhất, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng nên tuân thủ thông lệ quốc tế phù hợp với đặc thù Việt Nam.Không vì đặc thù Việt Nam mà bỏ sót quá nhiều thông lệ quốc tế, vô hình trung mang lại quá nhiều lợi ích cho các chủ nhà băng. Còn cái gì không có lợi cho nhà băng, như các quy định chống sở hữu chéo theo các thông lệ quốc tế, thì lại không thấy đề cập, với lập luận rằng, nó là đặc thù Việt Nam, nên khó lắm hay không thể.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)