Chỉ quan tâm tới giá rẻ nhưng bỏ qua nhiều yếu tố khác, người mua nhà nhận ra rằng họ đã sai lầm. Tình trạng mua nhà phải bán lỗ sau ít năm sử dụng xảy ra khá phổ biến.
Nhà không chỉ là nơi để ở
Mua căn hộ chung cư ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) được 3 năm, ông Lê Văn Tài đang phải rao bán. Trước đây, ông mua căn hộ này là 1,8 tỷ, đã đầu tư khoảng vài trăm triệu cho nội thất. Hiện giá bán ra chỉ gần 2 tỷ đồng nhưng không có ai mua. Một số người tới xem nhưng chê nội thất không bắt mắt, chung cư không có tiện ích xung quanh.
Ông Tài cho hay, chủ đầu tư của khu chung cư đã không mấy quan tâm đến việc bảo trì nên nhiều khu vực công cộng đã xuống cấp nghiêm trọng, khu vui chơi, không gian cây xanh cho trẻ em và người già không có, nên khách đến xem căn hộ cứ “một đi không trở lại”.
Bên cạnh đó, chung cư xây dựng đã lâu nên bắt đầu cũ kỹ, người mua không mặn mà so với các dự án chuẩn bị ra hàng. Ông đang tính đến chuyện phải bán lỗ vì quá cần tiền.
Chị Phạm Thị Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang bán cắt lỗ căn hộ chung cư. Chị cho biết, bạn bè của chị nhiều người có nhu cầu mua ở thực nhưng vẫn đi tìm những dự án mới chứ không mặn mà với nhà đã qua sử dụng.
Hệ luỵ từ những dự án giá rẻ
“Việc các chung cư đã qua sử dụng xuống cấp nghiêm trọng là một trong những lý do chính gây mất giá cho các căn hộ. Điều này phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư, ban quản lý chung cư và ý thức của cư dân”, chị chia sẻ.
Cách đây mấy năm, phần lớn các dự án căn hộ đưa ra thị trường chỉ tập trung vào yếu tố căn hộ sẽ là nơi ở. Theo đó, đa phần diện tích được tận dụng để xây dựng, không gian cho cộng đồng không được chú ý, bước ra khỏi nhà đã đụng lề đường, bãi đỗ xe không đủ chỗ,….
Ngày càng nhiều người nhận ra rằng họ không chỉ cần một ngôi nhà rộng rãi, tiện nghi đầy đủ, mà còn muốn một không gian sống đầy đủ tiện nghi, bước ra khỏi cửa là có tất cả.
Đánh giá về vấn đề này, TS. KTS. Tô Như Toàn cho rằng, trước đây, chúng ta chỉ nghĩ đến một ngôi nhà để ở. Tiền sử ngôi nhà xưa chỉ là một viên đá, rồi từ đó xây dựng lên nơi để ở. Còn nay, nhu cầu ở dần dần phát triển thành nhu cầu ở một ngôi nhà lớn hơn, cao cấp hơn, ở resort, đó là nhu cầu của con người, của cư dân.
“Trước đó, chúng ta nói đến nhu cầu về không gian sống còn bây giờ là môi trường sống, có nghĩa là việc tiện ích môi trường phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của cư dân”, ông nói.
Cùng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhận xét: “Thời kì bao cấp, khi đời sống còn khó khăn, nếu đi nghỉ mát, du lịch, nhiều người chỉ cần một khách sạn 2 sao là đã hài lòng.
Giai đoạn đầu cơ chế thị trường, thu nhập tăng lên, một bộ phận không nhỏ khách hàng đã chọn những khách sạn 3 sao để lưu trú. Và đến nay, những khách sạn 4 đến 5 sao là lựa chọn của rất nhiều người.
Câu chuyện này cũng tương tự như quá trình vận hành của nhà ở. Khi người giàu trong xã hội gia tăng, tất yếu những đòi hỏi về chỗ ở của họ cũng cần một chuẩn mực mới.”
Đầu tư căn nhà, mua cả không gian
Dự báo đến năm 2023, số lượng triệu phú USD của Việt Nam sẽ tăng lên 15.776 người. Tầng lớp này có yêu cầu cao và sẵn sàng chi trả để được sở hữu một không gian sống chất lượng, đẳng cấp và khác biệt.
Thực tế, nhu cầu về các dự án hạng sang đầy đủ tiện ích là rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Ông Nguyễn Văn Đính, Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, năm 2019, nhiều sản phẩm cao cấp đã xuất hiện với mức giá giật mình đối với Việt Nam, nhưng chủ đầu tư vẫn bán thành công và từ khi mở bán, hết hàng chỉ trong hơn 1 tháng.
Người mua nhà quan tâm nhiều tới không gian sống
Từ đó có thể thấy, nhu cầu về sự đẳng cấp, công trình có chất lượng cao cấp tại Việt Nam đang tăng dần. Trước đây, có thể những loại hình sản phẩm này rất khó được đón nhận khi đưa ra thị trường, nhưng nay thì đã khác, điều này thể hiện rằng chúng ta bắt đầu có nhu cầu lớn hơn, cao cấp hơn.
“Nhà ở cao cấp đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, giúp đô thị khang trang, hiện đại và đẹp đẽ hơn. Quan trọng hơn đã cho thấy nhu cầu sống của người dân càng được cải thiện, nâng cao”, ông Đính nói.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã cảnh tỉnh người dân của các quốc gia về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh phải sống chung với dịch bệnh lâu dài và những tác động của biến đổi khí hậu nói chung.
Nhu cầu về không gian sống xanh, sạch và biệt lập đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian tới, nhất là đối với các tầng lớp trung lưu, có thu nhập cao và ổn định.
Trước đây, việc lựa chọn sản phẩm dựa vào vị trí và hạ tầng. Hiện nay xu hướng có thay đổi. Vị trí, pháp lý và uy tín là yếu tố cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư.
Đưa ra lời khuyên cho người mua nhà, ThS. Kỹ sư xây dựng Đoàn Châu Phong cho rằng, dự án hạng sang không chỉ đáp ứng đủ các dịch vụ cần thiết phục vụ cho nhu cầu cư trú, nghỉ dưỡng, vui chơi cho cư dân mà các dịch vụ này còn phải đẩy lên mức cao hơn, với chất lượng vượt trội và có tính cá nhân hóa, giúp chủ nhân thể hiện được đẳng cấp của bản thân.
Do đó, những dự án hội tụ đầy đủ yếu tố như môi trường sống xung quanh tốt, vị trí thuận tiện, cơ sở hạ tầng đồng bộ với cảnh quan, không gian xanh trong lành sẽ được khách hàng quan tâm lựa chọn. Ngoài ra, khi chọn căn hộ, người mua còn quan tâm tới tiện ích sống, khả năng kết nối, thiết kế dự án…
Bên cạnh đó, xu hướng nhà ở vùng ven cũng được người dân quan tâm, đặc biệt là khu Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh…. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao – Trưởng bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, người mua tại những khu đô thị này là để đầu cơ và không chuyển về ở.
Nhưng hiện nay, nhu cầu thực tăng lên. Có khu đô thị về khoảng cách rất xa nhưng thời gian đi lại chỉ khoảng 30 phút đến trung tâm nhưng rất hút khách thuê và ở. Những khu vực xa trung tâm, chủ đầu tư tích hợp nhiều tiện ích.
“Việc chuyển ra ngoài trung tâm bởi hạ tầng trong trung tâm không theo kịp sự đô thị hóa của các thành phố lớn, ngoại ra, khách hàng cũng quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ngập lụt, kẹt xe… Đấy là cái xu hướng đã thấy và trong tương lai sẽ là xu hướng định hình thói quen mua nhà của nhiều người”, bà Dung cho hay.
Theo Bảo An
VietnamNet