Mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, trong khi trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao từ 10,5-13%/năm, lợi nhuận hấp dẫn khiến nhà đầu tư cá nhân không ngừng đổ tiền vào.
Đắn đo gửi tiết kiệm
Anh Đỗ Cao Hưng, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội kể rằng, khi đến phòng giao dịch của một ngân hàng TMCP gần nhà, làm thủ tục tất toán khoản tiền tiết kiệm 1 tỷ đồng, thì được nhân viên ở đây khuyên nên chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp (DN).
Trong khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm thì lãi suất trái phiếu DN vẫn duy trì ở mức cao. Mua trái phiếu DN không khác gì gửi tiết kiệm ngân hàng, được đảm bảo trả cả gốc lẫn lãi. Đầu tư vốn vào trái phiếu DN, mang lại hiệu quả hơn gấp 1,5-2 lần so với gửi tiết kiệm, nhân viên tư vấn nói vậy.
Gần đây, không ít khách hàng có khoản tiền gửi tiết kiệm lớn, đến kỳ tất toán, đều được các nhân viên ngân hàng tư vấn mua trái phiếu DN, vì có lãi suất cao hơn hẳn. So với lãi suất gửi ngân hàng tại quầy, kỳ hạn từ 12- 36 tháng hiện nay cao nhất là 7,8-7,9%/năm thì lãi suất trái phiếu từ 10,5-15%/năm, hấp dẫn hơn hẳn. Ngoài lãi cao, nhà đầu tư còn được tặng những món quà có giá trị… Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào trái phiếu DN.
Trái phiếu DN có lãi suất cao từ 10,5-19%/năm.
Báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, khối lượng phát hành trái phiếu DN riêng lẻ trong 5 tháng đầu năm 2020 là 91.616 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đáng chú ý là các DN bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua và công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu DN cho nhà đầu tư cá nhân.
Hiện tại, nhiều DN vẫn đẩy mạnh việc tiếp cận các nhà đầu tư cá nhân để phát hành trái phiếu riêng lẻ với những lời mời chào đầy hấp dẫn. Trong khi đó, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ nhìn thấy lãi suất trái phiếu DN hấp dẫn hơn lãi suất gửi tiết kiệm mà không cân nhắc kỹ mọi vấn đề.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân không phân biệt được thế nào là phát hành trái phiếu DN ra công chúng và phát trái phiếu DN riêng lẻ. Trái phiếu DN phát hành ra công chúng phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận. Còn muốn phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, DN chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho bên mua và cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Trong quý II năm nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm hơn so với quý I, trong khi phát hành trái phiếu DN riêng lẻ có lãi suất cao từ 10,5-13%/năm, kèm theo đó là những món quà tặng có giá trị như vàng miếng, các chuyến du lịch,… càng khiến nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào nhiều.
Những lời cảnh báo
Trong bối cảnh này, Bộ Tài chính một lần nữa lại đưa ra khuyến nghị và cảnh báo: Đối với DN phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ. Tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu. Sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu gắn với mục đích phát hành. Không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu. Có biện pháp để thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cam kết về mua lại trái phiếu trước hạn.
Lãi suất cao kèm theo quà tặng có giá trị khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với nhà đầu tư, cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu DN phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu…
Đối với các tổ chức phân phối trái phiếu, không chào mời bằng mọi giá cho nhà đầu tư. Có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư về tình hình tài chính của DN phát hành, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu; nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Đồng thời, có biện pháp quản lý để tuân thủ đầy đủ, đúng hạn cam kết về mua lại trái phiếu với nhà đầu tư khi phân phối trái phiếu
Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu DN.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, đặc thù của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ, do DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. Khả năng trả nợ của DN lại phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Hiện có không ít DN kinh doanh thua lỗ trong quý I/2020 nhưng vẫn đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. DN phát hành trái phiếu, chưa hẳn là huy động vốn để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của mình, có khi chỉ để cơ cấu lại các khoản nợ. Kênh đầu tư này khác với tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng và chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro.
Các chuyên gia kinh tế cho hay, trong bối cảnh hiện nay, việc một số DN phát hành trái phiếu với lãi suất từ 13%/năm trở lên được coi là cao. Trong nhóm những DN bất động sản đang có nhu cầu phát hành trái phiếu lớn với lãi suất cao, nhiều DN có cấu trúc nợ trên vốn không cân đối, lịch sử tín dụng có vấn đề, kinh doanh không khả thi, vay vốn không minh bạch.
Theo số liệu của Công ty cổ phần chứng khoán SSI, thị trường trái phiếu DN quý I/2020 ghi nhận xu hướng đổ tiền mạnh của các nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, 3 tháng đầu năm các nhà đầu tư cá nhân đã rót tổng cộng 9.546 tỷ vào kênh trái phiếu DN. Trong đó, dòng tiền này đến hầu hết từ nhà đầu trong nước, các cá nhân nước ngoài mua chỉ mua vỏn vẹn 9, 6 tỷ đồng.
Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trên tổng lượng phát hành toàn thị trường tương đương 20%, cao gấp đôi so với trung bình năm 2019. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua nhiều nhất là trái phiếu của DN bất động sản với 6.300 tỷ, tương đương hơn 28% lượng phát hành của nhóm này.
Trần Thủy