Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác ra thông báo chung về việc đóng cửa ngân hàng Signature Bank có trụ sở ở bang New York. Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ. Sự việc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California phá sản. Hai ngân hàng này của Mỹ sụp đổ ít nhiều cũng sẽ “ lan” tác động ảnh hưởng tới thị trường tài chính các nước…
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, việc ngân hàng Mỹ đổ vỡ có tác động nhưng không đến mức quá nặng nề nhiều. Chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang giảm nhẹ và còn biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Lực cũng nhận định: Việc huy động vốn của các công ty công nghệ, startups toàn cầu sẽ khó khăn hơn và bị đánh giá rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.
“Sau thông tin 2 ngân hàng Mỹ phá sản, tôi nhận được nhiều câu hỏi như: Việc này có giống khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng bắt đầu từ Mỹ năm 2008-2009 hay không? Sự việc có khả năng tạo domino lan truyền sang cả hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Á và Việt Nam hay không? Tôi cho rằng, ngân hàng Mỹ phá sản sẽ ảnh hưởng tới người gửi tiền. Với thị trường tài chính Mỹ, việc đóng cửa ngân hàng có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính. Một số ngân hàng có quy mô nhỏ, có mô hình hoạt động tương tự đã và đang chịu ảnh hưởng với giá cổ phiếu giảm, khách hàng rút tiền, chất lượng tín dụng có vấn đề hơn. Sự cố này cũng có thể sẽ khiến Fed xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới”, ông Lực cho biết.
Theo ông Lực, sự việc 2 ngân hàng Mỹ đổ vỡ rút ra một số kinh nghiệm cho thị trường tài chính. Theo đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Tăng trưởng trong kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính, và cần phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh. Vì vậy, minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ tài chính, và hiệu quả truyền thông là rất quan trọng.
Với trường hợp ngân hàng Mỹ, ông Lực nhìn nhận: Rõ ràng, cơ quan giám sát ngân hàng của bang này chưa có những cảnh báo kịp thời. Cùng với đó, mỗi quốc gia cần có một mạng lưới an toàn tài chính. Trong đó, cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và nền kinh tế thực. Từ đó, cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại có góc nhìn khác khi nhận định: Việc sụp đổ 2 ngân hàng Mỹ sẽ là bài học để nhìn sang Việt Nam bởi có những sự tương đồng.
Ông Hiếu phân tích, 2 ngân hàng Mỹ đều nắm giữ lượng trái phiếu lớn từ chính phủ Mỹ và các trái phiếu bất động sản được đảm bảo. Những trái phiếu 2 ngân hàng này giảm giá đáng kể do FED tăng lãi suất mạnh, từ gần 0% lên biên độ 4,5-4,75% trong vòng chưa đầy một năm. Lãi suất tăng vọt khiến các loại trái phiếu mà ngân hàng mua bằng tiền gửi giá rẻ từ khách hàng giảm giá trị. “2 ngân hàng này bán trái phiếu lỗ lên đến 1,8 tỷ USD nhưng nhiều người rút tiền nên họ buộc phải bán lỗ”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, ở Mỹ, hiện nhiều người lo sợ tiền của mình gửi ngân hàng có an toàn hay không? Chính phủ Mỹ vừa đưa ra thông báo bồi thường tất cả tiền gửi. Việc tuyên bố của Chính phủ Mỹ chỉ để trấn an thị trường.
Hiện, các ngân hàng Việt đang nắm giữ trái phiếu đa số của doanh nghiệp bất động sản.“Số trái phiếu ngân hàng nắm giữ khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó nhiều trái phiếu đến hạn năm nay và năm tới. Trong số này 1/3 là doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Như vậy, nhiều trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng nắm giữ cũng rất rủi ro”, ông Hiếu nói.
Nỗi lo về nguy cơ khủng hoảng lan rộng sau sự thất thủ của 2 ngân hàng lớn bồi thêm lo lắng của giới đầu tư về tác động của việc tăng lãi suất lên các ngân hàng, khiến giá cổ phiếu ngành ngân hàng ở châu Âu và châu Á cũng sụt theo.
Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s hạ triển vọng hệ thống ngân hàng Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực, “để phản ánh sự suy thoái nhanh chóng trong môi trường hoạt động”.
Dù chỉ số biến động VIX – thước đo “mức độ sợ hãi” của Phố Wall lên mức gần cao nhất trong 6 tháng chỉ sau 1 đêm, nhưng cổ phiếu các ngân hàng khu vực của Mỹ nhanh chóng hồi phục. Cổ phiếu của ngân hàng First Republic Bank tăng 52,7%, chỉ 1 ngày sau khi chạm mức thấp kỷ lục 17,53USD.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)