Nhiều ngân hàng đã được cấp thêm room tín dụng, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần. Việc nới room tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất.
Dù COVID-19 có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng này không làm giảm quá nhiều lợi nhuận, do nhiều ngân hàng đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng dự kiến lần lượt đạt 408.692 tỷ đồng và 169.857 tỷ đồng. Bộ phận phân tích cho biết tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ cao hơn so với mức tăng trưởng chung của lợi nhuận toàn thị trường. Việc hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ tháng 7 năm 2021 khiến giảm thu nhập lãi, đi kèm với nhu cầu tín dụng giảm do dịch bệnh khiến lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong quý III không thể giữ được mức tăng trưởng tương đương trong 2 quý đầu năm.
Tuy nhiên, BSC Research cho rằng lợi nhuận có thể hồi phục vào quý IV khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu tín dụng phục hồi trở lại. Trong năm 2022, công ty chứng khoán cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ tăng lên mức 22.2% (so với mức 18.4% trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.
Báo cáo cho biết tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ của các ngân hàng giữ ở mức cao và đang được cải thiện. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam làm dấy lên lo ngại về việc giảm chất lượng tài sản. Với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, BSC nhận định các ngân hàng hoàn toàn có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay. Bên cạnh đó, các khoản nợ tái cơ cấu tiếp tục giảm, nhiều ngân hàng dự kiến mức độ trích lập tại chỉ còn khoảng 3%-5% tổng dư nợ hiện tại.
“Các ngân hàng đã trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu trong quý II (VietinBank, Vietcombank, ACB,…) và có thể sẽ trích lập toàn bộ trong năm 2021. Điều này sẽ giúp giảm áp lực trích lập dự phòng trong những năm tới,” báo cáo viết. Do đó, BSC cho rằng nợ tái cơ cấu sẽ không phải vấn đề lớn trong thời gian tới với ngành ngân hàng.
Techcombank và TPBank là hai ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, đi kèm với đó là cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới. Tiếp đó là MSB với mức nới room từ 10,5% đầu năm lên 16%, MB từ 8,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; LienVietPostBank và ACB từ 8,5% và 9,5% cùng lên 13,1%;… Các chuyên gia cũng cho biết nhu cầu tín dụng của hai nhóm SME và bán lẻ có thể giảm mạnh, dẫn đến giảm tăng trưởng về tín dụng chung. Hiện nay, hai nhóm khách hàng này đóng góp ở mức trung bình 75% – 80% cơ cấu cho vay toàn ngành.
Theo BSC, các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tập trung cho vay vào các doanh nghiệp lớn với chất lượng tín dụng cao nhằm hạn chế rủi ro tín dụng. Những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tín dụng trong nửa cuối năm với bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ tiếp tục được đẩy mạnh giúp giảm chi phí vốn. Đồng thời, cơ cấu huy động đẩy mạnh tăng trưởng CASA. Bộ phận phân tích nhận định đây là xu hướng chung trong thời gian tới của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động cũng giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn trong nửa cuối năm.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)