Theo phân tích của giới chuyên môn, điểm sáng dễ thấy nhất của thị trường bất động sản năm 2023 chính là hệ thống hạ tầng kết nối được tăng tốc đầu tư và đã trở thành quy luật, hạ tầng đi trước sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế ở hầu hết các vùng miền, bao gồm cả thị trường bất động sản.
Chưa khi nào chính sách phát triển hạ tầng các tỉnh phía Nam được đẩy mạnh đầu tư như hiện nay, đóng vai trò như “tiếng pháo hiệu” đánh thức cả một vùng đất, khởi tạo làn sóng đầu tư mới vào các địa phương.
Có thể lý giải sự phát triển của thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam theo 3 nhu cầu, đó là ở thực, sử dụng ngôi nhà thứ 2 và đầu tư.
Về nhu cầu ở thực, trước làn sóng tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là TP.HCM, một siêu đô thị với dân số đã vượt mức 13 triệu dân, nhu cầu nhà ở không ngừng tăng cao, trong khi quỹ đất phát triển hạn chế, đã đẩy giá nhà đất tăng vọt, vượt ngoài khả năng của số đông.
Do vậy, người làm việc tại TP.HCM hoàn toàn có thể ở tại Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí là Bình Phước… nhờ mạng lưới hạ tầng giao thông phát triển giúp rút ngắn thời gian di chuyển. Đây là xu hướng đã và đang diễn ra ở các nước phát triển.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phân tích, sự phát triển về hạ tầng kéo theo dòng vốn đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận, giúp “giải cứu” TP.HCM khỏi áp lực gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh.
“Thực tế, trong chiến lược phát triển của TP.HCM lâu nay xác định sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, trong đó các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… sẽ dần hình thành nên những trung tâm đô thị mới trong xu thế giãn dân đô thị”, ông Châu nói.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, một lượng vốn không nhỏ đã được đầu tư vào các địa phương, trong đó có hàng loạt đại đô thị quy mô lên đến hàng trăm, hàng ngàn héc-ta đã, đang và sẽ được khởi động. Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng khi khó khăn qua đi, cùng với việc hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, bài bản sẽ kích hoạt sự bùng nổ của thị trường địa ốc nhiều nơi.
Theo phân tích của giới chuyên môn, điểm sáng dễ thấy nhất của thị trường bất động sản năm 2023 chính là hệ thống hạ tầng kết nối được tăng tốc đầu tư và đã trở thành quy luật, hạ tầng đi trước sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế ở hầu hết các vùng miền, bao gồm cả thị trường bất động sản.
Nếu như việc mở rộng hay xây mới các sân bay, trục cao tốc Bắc – Nam… mở ra cơ hội cho thị trường các tỉnh duyên hải miền Trung, thì cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, cao tốc TP.HCM – Bình Phước… mang đến cơ hội mới cho các tỉnh Tây Nguyên. Trong tương lai gần, nhiều tuyến đường kết nối hạ tầng được đưa vào sử dụng như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi… sẽ mang đến sự bứt phá cho thị trường địa ốc các khu vực này.
Ngày đầu năm mới 2023, 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đã chính thức khởi công đồng loạt tại 12 điểm cầu, trong đó điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi, 2 điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác. Giai đoạn 2 dự án có tổng chiều dài 729 km, tốc độ thiết kế 100-120 km/h, đi qua 15 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng.
Tham dự sự kiện tại điểm cầu ở Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu…
“Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới”, Thủ tướng nói.
Trước đó, ngày 31/12/2022, ngày khép lại năm 2022 – cũng là thời điểm 2 tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết chính thức thông xe kỹ thuật. Sau đó, các nhà thầu tiếp tục thi công các hạng mục phụ trợ, đường gom dân sinh, hàng rào an toàn giao thông… để đưa dự án vào khai thác dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, những công trình này là chìa khóa tháo gỡ nút thắt về giao thông cho Bình Thuận. Đây không chỉ là kỳ vọng của chính quyền địa phương, mà còn là mơ ước của người dân Bình Thuận bao đời nay khi hệ thống giao thông kết nối liên vùng hết sức khó khăn, người dân di chuyển đến TP.HCM phải mất nhiều giờ liền.
Bên cạnh đó, tại Đồng Nai, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng dự kiến hoàn thành trong năm 2023, kết nối các tỉnh miền Tây với miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, trong năm 2023, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu còn có kế hoạch xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 53,7 km (đoạn qua Đồng Nai dài 34,2 km và Bà Rịa – Vũng Tàu dài 19,5 km) với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Hiện cả 2 địa phương đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để sẵn sàng cho ngày khởi công.
Tương tự, năm 2023 cũng là năm khởi động một loạt tuyến cao tốc kết nối liên vùng khác như 2 tuyến cao tốc kết nối Đồng Nai với Tây Nguyên gồm Dầu Giây – Tân Phú (dài 60,1 km) và cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (dài 66 km). Hiện Bộ Giao thông – Vận tải đang tổ chức triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025.
Một tuyến cao tốc nữa là TP.HCM – Mộc Bài cũng lên kế hoạch triển khai trong năm 2023. Dự án được đặt nhiều kỳ vọng bởi sau khi được hoàn thành dự kiến vào năm 20225 sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Tây Ninh với các đô thị, các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế trong vùng.
Ngoài hệ thống hạ tầng đường cao tốc được đầu tư mạnh, trong năm nay, một loạt tuyến đường kết nối khu vực các tỉnh phía Nam cũng được khởi động, đáng chú ý có tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 91 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 76 km, tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, dự kiến khởi công tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026. Đường Vành đai 3 TP.HCM được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị – công nghiệp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)