TP.HCM là nơi giao thương, phát triển kinh tế sôi nổi bậc nhất cả nước thế nhưng hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng kịp thời. Trong năm nay, thành phố đặt ra mục tiêu khép kín đường vành đai 2, triển khai vành đai 3, 4. Tuy nhiên, để không tiếp tục lỗi hẹn, chính quyền thành phố cần có cơ chế chính sách, đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời dồn toàn lực với quyết tâm cao thì mới có thể thực hiện được.
Hiện nay, đường vành đai 2 còn gần 13km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái; đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng tại ngã ba Linh Đông (TP. Thủ Đức); đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; đoạn 4 từ QL1 đến đường Nguyễn Văn Linh.
Trong đó, đoạn 1 và 2 chuẩn bị hoàn tất các thủ tục chờ phê duyệt chủ trương đầu tư công với tổng mức 14.600 tỷ đồng. Đoạn 4 đang chờ bố trí vốn để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đáng chú ý, đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa hiện nay đã dừng thi công do nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thiếu thống nhất giữa nhà đầu tư với chính quyền thành phố.
Đoạn đường này có chiều dài 2,75km, rộng 67m, giai đoạn 1 làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5m cho 6 làn xe. Dự kiến hoàn thành cuối năm 2020, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, đoạn đường chỉ mới thi công được gần 50% khối lượng, vắng bóng công nhân, máy móc, cỏ mọc um tùm, sắt thép hoen gỉ. Dự án có tổng vốn là 2.765 tỷ đồng đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm nhà đầu tư. Theo hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và Công ty CP Văn Phú Bắc Ái ký kết năm 2016, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.821 tỷ đồng, còn lại là giá trị thực hiện dự án.
Đường vành đai 2 là tuyến đường bộ đô thị cấp 1 vòng tròn ở TP.HCM. Được quy hoạch từ năm 2007, có quy mô từ 6 – 10 làn xe, chiều rộng trung bình 35m. Điểm đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (TP. Thủ Đức) nối vào nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức), điểm cuối ra QL1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP.HCM.
Sau gần 13 năm triển khai, tuyến đường này mới hoàn thành được hơn 50km với các đoạn từ cầu vượt Gò Dưa trên QL1 đến vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh); đoạn từ nút giao Bình Thuận (đường Nguyễn Văn Linh với đường dẫn lên cao tốc TP.HCM – Trung Lương, huyện Bình Chánh) đến cầu Phú Hữu (TP. Thủ Đức). Về vấn đề này, Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án xây dựng đường vành đai 2 thực hiện chậm chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng thi công chậm. Đến nay, khối lượng thi công toàn dự án mới chỉ hơn 43%, việc chi trả bồi thường đạt khoảng 79%, diện tích mặt bằng bàn giao cho thi công xấp xỉ 75% tổng mặt bằng.
TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356km. Đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành. Đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, đường vành đai 3 dài 89km đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM phải được xây dựng hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên, tuyến đường này mới chỉ làm được đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn dài 16,3km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương.