Phát biểu tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do báo Đầu tư tổ chức sáng 19/10, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, hiện nay các tổ chức quốc tế đánh giá ngành du lịch đang chiếm khoảng 7% GDP của Việt Nam. Để phát triển du lịch, hạ tầng phải đi trước một bước…
Trong khi đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị năm 2017 về phát triển du lịch đã nêu mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP, nâng tỷ trọng dịch vụ trong GDP lên trên 50%.
“Để con số này tăng gấp đôi sau 7 năm, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, theo ông Lực, hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập trong thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse, ….) còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.
Mặt khác, khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập: Doanh nghiệp du lịch hiện không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất (theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ).
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, nhưng không bao gồm các dự án phát triển du lịch, vui chơi giải trí”, ông Lực nêu vấn đề và nhận xét: Nếu Luật Đất đai sửa đổi tới đây không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ thì sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch.
Đồng quan điểm, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nhận định, trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được nêu tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai hiện nay vắng bóng các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí thông thường.
“Tôi đồng tình với quan điểm cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần (không có chức năng ở), thậm chí trong một số trường hợp loại hình dự án này cần khuyến khích hơn cả các dự án phát triển nhà ở.
Chẳng hạn, tại các địa điểm phù hợp để làm du lịch (các địa phương ven biển còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn… thuộc địa bàn cần thu hút đầu tư) thì cần ưu tiên thu hồi đất để thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương, thậm chí tạo động lực lan tỏa cho cả vùng, khu vực”, ông Đỉnh nói.
Thực tế cho thấy, nếu không cho phép thu hồi đất thì không thể triển khai được các dự án quy mô lớn (ví dụ các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng nghìn ha, vốn đầu tư vài tỷ USD) để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, giàu năng lực.
Nếu giữ quy định như dự thảo luật hiện nay thì việc triển khai các dự án du lịch trọng điểm sẽ gặp ách tắc. Do đó, theo ông Đỉnh, vấn đề này cần được nhìn nhận nghiêm túc.
Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang thảo luận cũng không có quy định thu hồi đất đối với dự án khu đô thị mới. Các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất được xác định là các dự án được đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chung của dân cư, đảm bảo an sinh xã hội cho dân cư; không bao gồm các dự án có mục tiêu phát triển du lịch, vui chơi, giải trí hoặc kết hợp nhà ở thương mại với phát triển du lịch, công trình dịch vụ, vui chơi, giải trí.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)