Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Nhiệm vụ của ban chỉ đạo là triển khai, tham mưu giúp thành phố lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
UBND Hà Nội vừa ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây sẽ là đơn vị phụ trách tham mưu, giúp UBND thành phố; đồng thời chỉ đạo, kiểm tra các sở, ngành, quận, huyện trong xây dựng quy hoạch Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
BCĐ định kỳ tổ chức các cuộc họp để nắm tình hình, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Đối với những vấn đề phức tạp, vấn đề lớn, quan trọng, BCĐ tham khảo ý kiến các chuyên gia, các sở, ban, ngành, địa phương sau đó tổng hợp, báo cáo thành phố.
Trưởng ban chỉ đạo là Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung ; các phó ban gồm Phó chủ tịch TP Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Doãn Toản. Thường trực Ban chỉ đạo là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền.
Trước đó, UBND Hà Nội giao Sở Kế hoạch Đầu tư là cơ quan chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã trong quá trình xây dựng nhiệm vụ quy hoạch.
Trao đổi với Zing, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đánh giá trong giai đoạn 2011-2020, thành phố đã hoàn thành được khối lượng lớn công tác quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông.
“Hà Nội đã đặt ra vấn đề phải hoàn thành hơn 150 quy hoạch các loại, đã có 57/68 các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung và 70 quy hoạch chi tiết được phê duyệt”, ông nói.
Theo ông Nghiêm, Hà Nội sẽ phê duyệt hết các quy hoạch còn lại và hoàn tất công tác quy hoạch trong năm nay. Như vậy, các quy hoạch chi tiết, cụ thể này đã phủ kín được 86% diện tích tự nhiên của thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, đánh giá về hệ thống quy hoạch hiện nay của Hà Nội, vị chuyên gia cho rằng còn thiếu gắn kết, chồng chéo, thậm chí chưa thống nhất. Cùng với đó việc thực hiện quy hoạch còn nhiều vướng mắc, chưa hiệu quả.
Ông Nghiêm nhấn mạnh công tác quy hoạch trong 10 năm tới của Hà Nội là đặc biệt quan trọng bởi thành phố đặt mục tiêu giảm, tiến tới dừng hoàn toàn hoạt động xe máy vào năm 2030. Nếu công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông không được triển khai đồng bộ, hiệu quả thì mục tiêu này sẽ rất khó khả thi.