Hà Nội đề xuất xin ủy quyền của Thủ tướng để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu trung tâm hội trợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh.
Đây là thông tin được đưa ra tại Thông báo số 553/TB-UBND TP. Hà Nội theo kết luận lãnh đạo thành phố về việc thông qua đồ án quy hoạch khu đô thị GN(A) tỷ lệ 1/5.000 khu vực gần dự án Khu trung tâm hội trợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh (các xã Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lâm và Xuân Canh, thuộc huyện Đông Anh).
Theo đó, cuối tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 702/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Khu vực trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh).
Trong Quyết định 702/QĐ-TTg, Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia với tổng diện tích 387,21 ha.
Trong đó, điều chỉnh giảm đất dân dụng tại dự án nói trên từ 327,9 ha xuống còn 289,7ha, đất đường đô thị từ 73,7 ha giảm còn 72,16 ha.
Điều chỉnh tăng đất công cộng đô thị tăng lên 35ha, đất cây xanh công viên vui chơi giải trí được điều chỉnh tăng từ 78,81 ha lên 79,6ha.
Riêng diện tích đất của trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia được điều chỉnh tăng từ 50ha lên 90ha. Quyết định của Thủ tướng nêu rõ, việc điều chỉnh quy mô, vị trí và ranh giới khu đất của dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia đáp ứng yêu cầu triển lãm, hội chợ cho các sự kiện có quy mô quốc gia và quốc tế.
Để thực hiện Quyết định nói trên, ngày 1/6/2020, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có văn bản số 2081/UBND-ĐT yêu cầu các cơ quan chức năng của Hà Nội như Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cập nhật nội đung điều chỉnh cục bộ vào hồ sơ đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Huyện Đông Anh được yêu cầu tổ chức công bố công khai nội dung được điều chỉnh trong quy hoạch.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch khẩn trương tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố, phối hợp với huyện Đông Anh và các bên liên quan lấy ý kiến ca dân, trình UBND TP. Hà Nội đồ án quy hoạch phân khu đô thị GN(A) tỷ lệ 1/5.000 tại các xã Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lân và Xuân Canh, huyện Đông Anh nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, thủ tục và trình tự pháp luật.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu giúp UBND TP. Hà Nội dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng về việc ủy quyền cho Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu trung tâm hội trợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh”, văn bản của UBND TP. Hà Nội cho biết.
Ngoài điều chỉnh quy hoạch và đề xuất xin được ủy quyền phê duyệt dự án, thông tin mới nhất liên quan đến quy hoạch tại Đông Anh là Hà Nội vừa thông báo kết quả thiết kế cầu Tứ Liên.
Cụ thể, ngày 10/6, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã công bố kết quả tuyển chọn phương án thiết kế cầu Tứ Liên. Cầu Tứ Liên nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với Quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Phối cảnh cầu Tứ Liên nối Đông Anh sang Tây Hồ, Hà Nội
Thiết kế cầu dạng dây văng xoắn, phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao QL5, có tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4.84km. Với 5 nút giao trong đoạn tuyến gồm: Nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao Quốc lộ 5 kéo dài.
Cầu Tứ Liên là cầu quan trọng trong số 8 cầu dự kiến xây dựng mới trong khu vực đô thị trung tâm, kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, đường Vành đai 3, khu vực đô thị của Đông Anh với trung tâm Thành phố.
Ý tưởng cầu Tứ Liên mang đậm nét về lịch sử và văn hóa thủ đô Hà Nội, dựa theo biểu tượng Rồng thiêng.
Cây cầu Tứ Liên có tính biểu tượng của Thành phố vì Hòa Bình gắn với chiều dài lịch sử, ngàn năm văn hiến của thủ đô Hà Nội.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án kéo dài 4 năm từ 2020 – 2024, trong quý 1 năm 2021 sẽ tổ chức giải phóng mặt bằng.
An Linh