Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất 2% đạt hơn 10.700 tỷ đồng đối với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ đạt khoảng 9.800 tỷ đồng. Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có thể giúp giảm 0,2 – 0,4% lãi suất cho vay…
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các đoàn công tác liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số địa phương; tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp chuyên đề triển khai Nghị định 31 nhằm thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng để nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
Cập nhật đến cuối tháng 9/2022, tức sau 4 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt trên 15.000 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất hơn 13.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi là hơn 29 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước trị giá 40.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 phân bổ 16.000 tỷ đồng, năm 2023 phân bổ 24.000 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận xét, việc triển khai gói bù lãi suất diễn ra rất chậm, khó có thể đạt được mục tiêu năm 2022. Trong khi đó, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, sẽ kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi lên.
Cụ thể, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1% do điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu bị thắt chặt trong vài tháng trước và đồng USD mạnh lên, tỷ giá chính thức giữa VND/USD tiếp tục tăng trong tháng 9 (tăng 1,0% so với tháng 8 và tăng 3,8% so cùng kỳ). Theo đó, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng tăng lãi suất huy động VND.
Bốn ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng lên 4,4%/năm (tăng 1,03% so với đầu năm) và kỳ hạn 12 tháng lên 6,4%/năm (tăng 0,87% so với đầu năm). Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,7%/năm (tăng 1,2% so với đầu năm), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,6%/năm (tăng 1,02% so với đầu năm).
Ông Hinh nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, bởi tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất chính sách và cơ quan này đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ đầu tháng 9, dẫn đến tăng nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến nâng lãi suất điều hành lên 4,5% vào cuối năm 2022 và USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái cũng như lãi suất tại Việt Nam.
Trước đó, tăng trưởng huy động vốn ở mức thấp so với tăng trưởng tín dụng do lãi suất huy động kém hấp dẫn: dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7/2022 tăng 9,42% so với đầu năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng huy động vốn so với đầu năm 2022 là 4,2%, so với cùng kỳ là 9,9%.
Tổng Hợp