Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp kêu khó về vướng thủ tục, thị trường đóng băng; người mua nhà lo lắng vì không có thu nhập để trả nợ cho ngân hàng; ngân hàng lại đề ra các giải pháp để kiểm soát nợ xấu… Vòng luẩn quẩn ấy đang cần những giải pháp quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ các khó khăn.
80% sàn môi giới đóng cửa
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản (BĐS) quý I-2020 đang rơi vào trạng thái trầm lắng. Từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường này gần như bị đóng băng. Các giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%, doanh thu sụt giảm khoảng 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các doanh nghiệp BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn lớn.
Tương tự, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đưa ra con số đáng chú ý, trong tháng 2, có khoảng 300 trong số 1.000 sàn môi giới BĐS trên cả nước phải đóng cửa. Đến hết tháng 3 con số này tăng lên 800 sàn. 200 sàn vẫn duy trì hoạt động, nhưng phải làm việc online tại nhà hoặc hoạt động cầm chừng.
Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 khiến các sàn không thể bán được hàng, trong khi vẫn phải duy trì bộ máy đội ngũ nhân sự, trả lãi ngân hàng, bị phạt vi phạm tiến độ bán hàng, trả tiền quảng cáo tiếp thị, trả tiền mặt bằng kinh doanh…
Không chỉ doanh nghiệp, người mua nhà cũng gặp không ít khó khăn. Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, hiện nay tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm khoảng 10%. Điều này càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp BĐS, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Trong hai tháng qua, hầu như các doanh nghiệp BĐS vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn…
Trước tình cảnh nêu trên, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp BĐS được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng. Đồng thời giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
HoREA cũng đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến 6-2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ năm tháng; chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân không chỉ có ý nghĩa với người dân, mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế. Bởi dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, kéo theo thu nhập của người lao động giảm, thậm chí một số người bị thất nghiệp khiến kế hoạch trả nợ của những trường hợp này bị ảnh hưởng.
Do vậy, nếu các ngân hàng vẫn duy trì thời hạn và mức trả nợ như cũ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ phải chấp nhận hạn chế chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn nếu không muốn rơi vào cảnh nợ xấu. Khi đó, nền kinh tế sẽ hạn chế tiêu dùng khiến các doanh nghiệp khó bán được hàng, việc sản xuất lại đình trệ. Ngược lại, khi được khoanh nợ, giãn nợ, thu nhập sẽ dành cho tiêu dùng nhiều hơn, kích thích nguồn cầu, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Về phía UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong khi chờ Chính phủ và các bộ, ngành, trung ương đồng ý các giải pháp đã đề xuất, thành phố chủ động gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe thấu đáo khó khăn của doanh nghiệp. Mới đây nhất, Sở Xây dựng thành phố chủ động đề xuất rút ngắn quy trình làm thủ tục pháp lý cho các dự án xuống còn năm bước, thay vì đang thực hiện sáu bước như hiện nay.
Cụ thể, bước một, lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Bước hai, lập quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng phương án kiến trúc công trình theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Bước ba, lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Bước bốn, xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bước năm, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng.
Đối với các sở, ngành khác có liên quan chậm hiến kế giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Văn phòng UBND thành phố đã có ngay văn bản phê bình, đôn đốc thực hiện. Đồng thời chỉ rõ các đơn vị phải rà soát lại các kiến nghị của doanh nghiệp BĐS, tham mưu đề xuất hướng giải quyết cụ thể từng nội dung và lưu ý phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan để báo cáo UBND thành phố.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong thời gian tới, thành phố sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn hơn 100 tỷ đồng, đồng thời cam kết sẽ làm mọi cách để bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị, tạo điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động.
TP Hồ Chí Minh luôn đồng hành và hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững, hướng đến việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ BĐS của cả nước.
Vũ Nguyên
Theo Báo Nhân Dân