Ngay từ đầu năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Ngân hàng Nhà nước đã coi ổn định tỷ giá là một trong những vấn đề trọng điểm để điều hành chính sách tiền tệ. Việc lựa chọn giữa ổn định tỷ giá hay ổn định lãi suất hoặc giữa kiềm chế lạm phát hay phát triển kinh tế luôn là bài toán khó cho chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.
Thực tế, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã khiến cho lạm phát tại Việt Nam gần như thấp nhất thế giới, song lãi suất cho vay lại thuộc nhóm cao nhất thế giới. Lãi suất thực gấp 3 lần lạm phát khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, kể cả doanh nghiệp trong lĩnh vực có biên lợi nhuận lớn như bất động sản.
Trong báo cáo nhận định và dự báo diễn biến tỷ giá vừa công bố, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cho rằng trong những tháng cuối năm 2022, dự báo nguồn cung trên thị trường ngoại hối sẽ được bổ sung một lượng ngoại tệ từ kiều hối và kỳ vọng dòng tiền từ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có thể phần nào giảm bớt áp lực cho tỷ giá USD/VND. Cùng đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục giảm thêm trong nửa cuối năm 2023 khi Fed kết thúc lộ trình tăng lãi suất.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định: “Trong ngắn hạn sẽ phải đánh đổi các mục tiêu. Cụ thể, để ổn định tỷ giá thì chấp nhận lãi suất phải tăng”.
Việc lựa chọn tỷ giá được Thống đốc lý giải rằng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ là phải xác định được mục tiêu trọng tâm của từng giai đoạn, nhưng trên tinh thần xuyên suốt là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô. Hiện tại, ổn định thị trường ngoại hối có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, hàng loạt các công cụ đã được cơ quan quản lý sử dụng để bình ổn tỷ giá như kích hoạt lại kênh bơm hút tiền trên thị trường mở để kiểm soát cung tiền tốt hơn; bán can thiệp ngoại tệ ở mức độ vừa phải đề ổn định tỷ giá và tài trợ cho các nhu cầu ngoại tệ lớn tức thì của doanh nghiệp; tăng liên tiếp 2 lần lãi suất điều hành với cường độ rất lớn 1%/năm; chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm và nới lỏng biên độ từ +/- 3% lên mức +/-5%…
Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước nỗ lực điều hành tỷ giá, việc tỷ giá USD/VND dần ổn định còn nhờ một số động lực khác như: (i) giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 10 tháng đầu năm đạt 17,45% tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ; (ii) thặng dư thương mại 9,4 tỷ USD; (iii) nguồn kiều hối vẫn khá ổn định, riêng tại Tp.HCM đạt 4,78% sau 9 tháng…
Yếu tố quan trọng hơn cả là tin vui từ phía bên kia bán cầu. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI tháng 10 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cả năm thấp nhất của CPI kể từ đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2% ghi nhận trong tháng 9; đồng thời, thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,6% và 7,9% mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Khi chứng kiến lạm phát bắt đầu giảm xuống, thị trường kỳ vọng rằng Fed sắp giảm bớt tốc độ tăng lãi suất. Theo đó, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm mạnh về mức 106,48 điểm, mức thấp nhất 2 tháng qua.
Tổng Hợp