Tình trạng thanh khoản thị trường ở mức thấp đã kéo dài từ đầu năm 2023 đến nay. Việc thị trường thiếu cơ sở cho sự hồi phục, trong khi có những tin xấu xuất hiện, khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch.
Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu đảo chiều, dù vài phiên gần đây mua ròng trở lại. Giai đoạn tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, lực mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại, đặc biệt là các quỹ ETF như Fubon, VNM, FTSE đã giúp thị trường có diễn biến hồi phục, thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2023, khối ngoại có động thái bán ròng. Cụ thể, từ ngày 1/2 – 6/3/2023, khối ngoại bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên HOSE. Xét theo tuần, từ đầu năm 2023 đến nay, khối này có 5/10 tuần bán ròng, trong đó có 3 tuần bán ròng trung bình hơn 1.200 tỷ đồng/tuần.
Theo thống kê của BSC, khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh sau một chu kỳ tăng điểm mạnh kéo dài, thanh khoản luôn có xu hướng giảm mạnh trong vòng 1 năm tiếp theo. Mức sụt giảm thanh khoản sẽ phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô trong nước, quốc tế, các chính sách hỗ trợ thị trường (nếu có).
Với một số đặc điểm như vậy, ông Trần Thăng Long cho rằng, để thu hút dòng vốn sớm quay lại thị trường chứng khoán, trước hết lãi suất cần giảm nhanh, một mặt giúp cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, mặt khác thu hút dòng vốn đầu tư vào chứng khoán trên cơ sở nhà đầu tư sẽ so sánh tương quan với lãi suất tiết kiệm.
Thứ hai, tháo gỡ nút thắt dòng tiền đang bị đóng băng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dù Nghị định 08/2023/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để trả nợ và dần mang lại niềm tin cho các trái chủ.
Thứ ba, tập trung thực hiện các nội dung liên quan đến nâng hạng thị trường chứng khoán, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại. Trong đó, hệ thống giao dịch mới (KRX) sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian giao dịch, triển khai các sản phẩm mới…
Nhìn lại 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 5 lần sụt giảm. Lần 1 vào cuối năm 2012, VN-Index mất 25% điểm số. Khi đó, tâm điểm thị trường là cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng, nợ xấu lên tới 17%, lãi suất tiền gửi tăng lên 14%/năm, thị trường bất động sản giảm giá và mất thanh khoản.
Lần 2 là đầu năm 2016, VN-Index giảm 18%, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chịu áp lực từ Fed ngừng chương trình nới lỏng định lượng và tăng lãi suất, khiến dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường mới nổi, trong khi đồng Nhân dân tệ giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh, gây áp lực lớn lên tỷ giá và kinh tế Việt Nam.
Lần 3 là tháng 3/2020, VN-Index giảm 34%, do đại dịch Covid-19 dần lan rộng trên toàn cầu, với các tác động nghiêm trọng. Lần 4 là tháng 11/2022, VN-Index lao dốc từ trên 1.500 điểm xuống 880 điểm, tương đương giảm hơn 40%. Hiện tại, chỉ số dao động trong xu hướng giảm, sau nhịp hồi lên trên 1.100 điểm vào cuối tháng 1/2023, có thể coi là lần giảm thứ 5.
Trong 5 lần VN-Index giảm điểm mạnh, thanh khoản đều sụt giảm trong và sau khi chỉ số tạo đáy, ngoại trừ lần 4 năm 2020 (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ngành ngân hàng nới lỏng chính sách tiền tệ).
Trên bình diện toàn cầu, lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại, các ngân hàng trung ương chịu nhiều áp lực trong việc kiềm chế lạm phát. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng có tốc độ giảm chậm, thậm chí xuất hiện những diễn biến khó lường tại một số nước lớn trong tháng 2 vừa qua. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu gần đây phát đi thông điệp sẽ tiếp tục tăng lãi suất, duy trì môi trường lãi suất cao để chống lạm phát. Giới đầu tư lo ngại, kỷ nguyên tiền đắt sẽ kéo dài, điều này ảnh hưởng đến tính thanh khoản cũng như diễn biến giá trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam hiện tại dù giảm so với đầu năm 2023 nhưng vẫn đang ở mức cao trong vài năm qua, khiến một lượng lớn dòng tiền trên thị trường chứng khoán tiếp tục bị hút về kênh tiền gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các biến động vĩ mô trong nước và trên thế giới, Fed tăng lãi suất, áp lực lạm phát, tỷ giá, xung đột Nga – Ukraine, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp… dẫn đến hoạt động giao dịch cầm chừng.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, anh Nguyễn Văn Bình (Hà Nội) nhận xét, phần lớn nhà đầu tư đang bị “kẹp hàng”, nếu nắm giữ tiền mặt thì lặng lẽ quan sát thị trường, khiến thanh khoản “èo uột”.
Về kinh tế vĩ mô, tháng 2/2023, chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất tăng lên trên ngưỡng 50, đạt 51,2, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3%, xuất khẩu giảm 10,4%, nhập khẩu giảm 16%, lạm phát cơ bản tăng 4,96% so với cùng kỳ (bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,08%)…
“Kinh tế thế giới và trong nước đều đang gặp khó khăn, kết quả kinh doanh quý I/2023 của phần lớn doanh nghiệp dự kiến không bằng cùng kỳ năm ngoái, cộng với áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và lãi suất tiền gửi vẫn ở mức cao, giao dịch chứng khoán vẫn sẽ ở mức cầm chừng trong thời gian tới”, anh Bình nhận định.
Tổng Hợp
(ĐTCK)