Ngay từ thời điểm dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, chính sách giãn cách xã hội được áp dụng. Cùng với đó, thị trường bất động sản lập tức “ngủ đông” tạm thời. Quan sát suốt khoảng thời gian hơn 1 năm qua, rõ ràng, lượng giao dịch của thị trường bất động sản phụ thuộc rất lớn vào biến số kiểm soát dịch bệnh.
Thị trường bất động sản tại TP.HCM luôn có một nhu cầu rất lớn và là những nhu cầu chính đáng từ phía người dân. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng đã xuống thấp từ khoảng quý 4/2020 đến nay khiến bất động sản trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm.
Theo HoREA, để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid -19, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính. HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Cụ thể là xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.
Thời gian gần đây, các số liệu của công ty cho thấy tỷ lệ khá cao những người có sổ tiết kiệm trong khoảng 3 –7 tỉ đầu tư vào bất động sản vì lãi suất tiết kiệm cũng đã xuống khá thấp. Ngoài ra, lãi suất vay có xu hướng giảm cũng kích thích các nhà đầu tư vay tiền mua bất động sản. Thực tế trong chu kỳ 18 tháng từ tháng 1.2020 – 6.2021 giá giao dịch bất động sản tại các khu vực tại TP.HCM tuy có bị tác động qua các đợt dịch nhưng nhìn chung trong xu thế tăng giá.
Các quy định giãn cách xã hội và phòng chống dịch đã khiến hàng nghìn nhà môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp và con số này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong suốt gần 4 tháng qua, thị trường bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ những sàn giao dịch bất động sản thuộc một số doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như Công ty Cổ phần dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Hải Phát Land, Cen Group… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Hầu hết các sàn này đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như: bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý thông tin, giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại, khoảng 70% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì rất nhiều trong số đó đang phải tạm dừng hoạt động.
Khảo sát thực tế cho thấy, mức lương cơ bản dành cho một nhân viên môi giới bất động sản thường rất thấp từ 3-5 triệu đồng/tháng, tùy theo kinh nghiệm làm việc. Thu nhập của môi giới chủ yếu từ nguồn phần trăm được trích lại sau khi bán sản phẩm. Bởi vậy, nếu không có giao dịch thành công dù được hưởng lương cơ bản hàng tháng cũng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm mà bản thân các môi giới phải tự bỏ ra để quảng bá theo các kênh riêng.
Vì đặc thù của ngành đòi hỏi vốn lớn, trong khi đó, dòng tiền thu về chững lại vì dịch khiến doanh nghiệp bất động sản mất đi nguồn tiền để vận hành bộ máy. Đó là lý do vị chuyên gia này lo ngại rằng, dịch bệnh kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp bất động sản phá sản và tất yếu kéo theo hệ lụy khó khăn của thị trường địa ốc. Việc phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản nói chung trong nửa cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và tốc độ triển khai tiêm phòng vắc-xin.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)