Trong bối cảnh Liên bang Nga đang đồng loạt hứng chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây, nên hoạt động ngân hàng với Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga về tình hình thương mại hiện nay giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Theo ông Dương Hoàng Minh, hiện quyết định ngắt Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT mới chỉ áp đặt đối với bảy ngân hàng của Nga, nên hoạt động ngân hàng với Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, ông Dương Hoàng Minh cho rằng nếu tình hình tiếp tục leo thang có thể xảy ra tình huống toàn bộ các ngân hàng của Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT và như thế sẽ tác động thực sự đến hoạt động ngân hàng với Việt Nam. Ông Minh cho rằng trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga cần chờ đợi, bình tĩnh theo dõi sát tình hình để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thành, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông, Liên bang Nga, ông Thành cho biết, có hai vấn đề đang tác động tới hoạt động thương mại của Việt Nam với Liên bang Nga, đó là vận tải và tỷ giá hối đoái. Hiện trong ngày 2/3, theo chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông, rất nhiều hãng tàu biển như Maerks Line, KMTC, MCC…, đã đồng loạt dừng khai thác tuyến đi Nga. Như vậy hàng hóa Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu sang Nga.
Cũng theo ông Thành, việc tỷ giá hối đoái với đồng USD tăng cao sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào Nga sẽ giảm do không thể tăng giá như mức tăng của đồng USD, đồng thời sức mua của người tiêu dùng cũng giảm xuống, thị trường sẽ phải mất một thời gian để thích ứng.
Mặt khác trong bối cảnh hiện nay, trong trung hạn, lượng hàng nhập khẩu vào Nga sẽ giảm nhiều và người Nga sẽ chuyển sang sử dụng hàng nội địa nhiều hơn. Trước đó, tại chợ bán buôn Liublino (Trung tâm Thương mại Moskva) ở thủ đô Moskva, nơi có đông người Việt Nam kinh doanh, rất nhiều tiểu thương người Việt đã không dám bán hàng, do giá đồng USD tăng quá cao khiến hàng nhập vào có giá thành còn cao hơn giá dự kiến bán ra tại chợ.
SWIFT quan trọng ra sao?
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, là một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia. Thống kê cho thấy, đã có hơn 40 triệu tin nhắn với lệnh chuyển hàng tỷ USD được gửi đi mỗi ngày thông qua SWIFT. Hiện nay có 291 thành viên ngân hàng của Nga nằm trong hệ thống SWIFT, đại diện cho 1,5% luồng giao dịch. Con số này tương đương với khoản thanh toán trị giá khoảng 800 tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam có Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt – Nga, giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh thanh toán quốc tế giữa 2 nước trong nhiều năm qua.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, bởi Nga và Việt Nam vốn có quan hệ kinh tế từ nhiều năm nay. Việc bị loại khỏi SWIFT có nghĩa là Nga bị cắt đứt hoàn toàn quan hệ với hệ thống thanh toán bên ngoài nước Nga khiến cho việc thanh toán, mua bán hàng hoá giữa Việt Nam với Nga bao gồm cả tư nhân lẫn nhà nước có thể gặp khó khăn.
Nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng hoạt động này có thể áp dụng bằng nhiều cách khác mà không nhất thiết phải thông qua SWIFT. Theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện chủ yếu được xử lý bằng Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, việc xử lý qua hệ thống SWIFT hiện là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác.
Tổng Hợp